Gánh nặng đồng phục

Gánh nặng đồng phục
TP - “Nhà trường quyết định thay đổi đồng phục là để đẹp mắt hơn bởi đồng phục cũ của trường khá đơn điệu và không còn phù hợp nữa”. Đó là câu giải thích đơn giản của ông phó hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở quận Bình Tân, TPHCM.

Nhưng cứ mỗi năm lại thay đồng phục, lại sắm mới 3-5 bộ quần áo cho hai đứa con trong khi phải chi bao nhiêu khoản khác thì nhiều gia đình thấy không đơn giản chút nào, nhất là những bậc cha mẹ làm công ăn lương, nông dân, đối tượng chiếm đa số trong xã hội.

Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi có dịp đi trên con đường nhỏ dẫn từ thành phố Cao Lãnh về huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Đúng dịp tan trường, học sinh phổ thông đạp xe thong dong về nhà. Những tà áo dài của nữ sinh bay phấp phới khiến lòng ta nao nao nhớ “một thuở ngày nào”. Nữ sinh ở huyện Thanh Bình hầu như đều mặc áo dài trắng, có trường quần trắng, có trường lại áo trắng quần lụa đen rất Nam Bộ. Rất thướt tha và lãng mạn. Nhưng rồi trời đổ cơn mưa bất chợt, điều thường thấy ở miền Tây mùa này. Những tấm áo dài trắng ướt lướt thướt dúm dó, bất tiện. Và nếu nghĩ đến chuyện những gia đình nông dân nghèo, lo toan cuộc sống còn nhiều khó khăn mà đầu năm học phải chi đủ loại tiền, nay thêm áo dài áo ngắn đồng phục, tự nhiên thấy tà áo kia cũng bớt lãng mạn đi rồi.

Ở TPHCM, khác với Đồng Tháp, nhiều trường cho học sinh diện đồng phục hiện đại hơn. Nam sinh áo trắng quần xanh, nữ sinh áo sơ mi váy ngắn như học sinh Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng dù áo dài truyền thống hay đồng phục hiện đại, thì vẫn là ý của thầy cô, của nhà trường. Đặt trong bối cảnh các khoản thu đối với học sinh ở nhiều nơi, nhiều ngôi trường hiện nay luôn được gắn với hai chữ “hoa hồng”, lại càng thấy bớt đi sự lãng mạn: BHYT đối với học sinh cũng trích “phần trăm”, suất ăn học sinh cũng đi kèm hoa hồng, đồng phục học sinh cũng “phết, phẩy”…

Trong khi đó, điều quan trọng với học sinh là học tập, là được thụ hưởng một nền giáo dục khoa học, nhân văn, là kiến thức để trưởng thành, để làm người. Tấm áo không làm nên thầy tu, đồng phục sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu nó trở thành gánh nặng. Bao nhiêu năm nay xã hội đã kêu ca chuyện lạm thu trường học, than phiền quanh tấm áo đồng phục học trò. Đồng phục học sinh để tạo nên sự công bằng, bình đẳng trong môi trường giáo dục. Khi khái niệm này chạm ngưỡng “loạn”, e rằng ý nghĩa đó cũng khó vẹn nguyên.

MỚI - NÓNG