Gia tăng sức ép

Gia tăng sức ép
TP - Nghi vấn chuyển giá trong thời gian dài, ông chủ Metro đã “rút êm” khỏi Việt Nam sau khi thu gần 900 triệu USD từ việc bán chuỗi 19 siêu thị Metro cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan. 

Việc các doanh nghiệp mua bán sáp nhập (MA) là chuyện bình thường trong kinh doanh, tuy nhiên, điều bất thường là ở chỗ, suốt 12 năm qua, Metro thường xuyên báo lỗ và không hề nộp một đồng nào tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Liệu có khuất tất gì đằng sau vụ MA một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất bát mà có giá trị gần 900 triệu USD? Vì sao từ một siêu thị ban đầu tại Hà Nội, Metro lại dễ dàng mở rộng ra các tỉnh, thành phố trong khi thường xuyên báo lỗ? 

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố nhanh chóng cấp các khu đất vàng cho Metro liệu đã thu được khoản thuế nào cho địa phương? Các bộ ngành liên quan (KH&ĐT, Công Thương, Tài chính) đã thực sự giám sát chặt chẽ hoạt động của Metro hay để họ làm xiếc suốt thời gian qua?... 

Có thể nói, từ đầu năm đến nay, vụ MA giữa Metro và BJC là đình đám nhất. Dư luận râm ran, hoài nghi, nhưng điều lạ là các bộ ngành liên quan dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Nhiều người cho rằng, Metro đã giỏi “lách” thuế suốt 12 năm qua, việc MA với BJC, Metro chắc chắn sẽ tìm mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ thuế bằng cách hạch toán đầu tư lớn, sát với số tiền gần 900 triệu USD đã thu về. Nếu đúng như dự báo, sẽ thêm lần nữa, Metro lại qua mặt cơ quan chức năng Việt Nam với trò ảo thuật vỡ lòng. 

Ông chủ Metro có lẽ mỉm cười với khoản tiền gần 900 triệu USD, nhưng mối lo của vụ MA thì đã nhãn tiền. 

Khi chuỗi siêu thị Metro rơi vào tay của ông chủ người Thái, lúc đó, chắc chắn hàng hóa Việt Nam sẽ bị đẩy ra. Viễn cảnh hàng hóa Thái Lan tràn ngập thị trường Việt Nam sẽ không còn xa khi tới năm 2018, thực hiện Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN, nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ có thuế 0%.

Có thể nói, hướng ngoại (xuất khẩu) đã bị doanh nghiệp FDI thâu tóm, nay thị trường nội địa lại đang dần rơi vào tay các tập đoàn lớn của nước ngoài, đây là điều đáng lo ngại đối với doanh nghiệp Việt. Khi các doanh nghiệp FDI quá được ưu ái (đất đai, thuế, phí...), doanh nghiệp nội vốn đã thấp cổ bé họng nay lại càng khó khăn hơn.   

Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn tiềm năng do một tỷ lệ khá lớn vẫn là kênh bán lẻ truyền thống. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp nội khó thoát khỏi sự lấn lướt của doanh nghiệp ngoại như “ván bài 12 năm” của Metro và cuộc dạo chơi mới của BJC. 

Giữa lúc các bộ ngành liên quan đang lúng túng trong việc tìm kiếm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thì áp lực được các ông lớn ngoại tiếp tục gia tăng theo cái kiểu BJC vừa làm. Theo các chuyên gia kinh tế, đó sẽ là những “cuộc đổ bộ đáng báo động”.

MỚI - NÓNG