Giải cứu xăng E5

Giải cứu xăng E5
TP - Việc đưa vào sử dụng đại trà xăng sinh học ở các nước không phải là chuyện mới. Thậm chí đến nay, ở nhiều quốc gia, xăng sinh học đã dùng phổ biến là xăng E10 (10% ethanol và 90% xăng thông thường) nhưng tại Việt Nam, sau nhiều năm xuất hiện trên thị trường, đến nay việc tiêu thụ vẫn hết sức èo uột.

Các cơ quan quản lý đã nhiều lần khẳng định chất lượng xăng E5 đảm bảo do khi cung cấp sản phẩm ra thị trường đều được tiến hành các thủ tục đánh giá hợp quy chất lượng sản phẩm. Thậm chí Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ còn công bố kết quả kiểm tra chất lượng xăng E5 với khẳng định xăng đảm bảo chất lượng quy định. Còn theo Bộ Công Thương, theo báo cáo của các địa phương và các đầu mối kinh doanh xăng dầu chưa có bất kỳ khiếu nại nào của người tiêu dùng về chất lượng xăng E5. Xác nhận chất lượng từ phía cơ quan chức năng như vậy dường như đã khá đủ để đảm bảo.

Với doanh nghiệp, lợi nhuận là yếu tố số 1. Sản phẩm, mặt hàng nào mang lại nhiều lợi nhuận, đương nhiên doanh nghiệp sẽ tìm cách, thậm chí đổ xô đi bán. Nhưng quy luật thị trường dường như không đúng với trường hợp của xăng E5: Giá bán thấp hơn xăng khoáng nhưng xăng E5 vẫn không được người dân chọn sử dụng nhiều. Thậm chí, cơ quan quản lý buộc doanh nghiệp phải đầu tư, bố trí cột bán xăng E5 nhưng tình hình không cải thiện được bao nhiêu. Doanh nghiệp sản xuất cũng rất nỗ lực tuyên truyền nhưng thực tế người tiêu dùng, kể cả các đại lý xăng dầu vẫn chưa mặn mà vì nhiều lý do khác nhau.

Khi trao đổi với Tiền Phong, đại diện nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cũng tế nhị khẳng định "không hài lòng" với việc bán xăng E5. Ở góc độ doanh nghiệp, lợi nhuận mỏng, đầu tư ban đầu tốn kém, tỷ lệ hao hụt của xăng E5 cao hơn xăng khoáng trong khi người dân vẫn có thói quen đổ xăng A92...là những lý do được doanh nghiệp xăng dầu không “ưng bụng” khi nói về việc kinh doanh xăng E5. Nhưng sâu xa hơn cả chính là sự bất cập về cơ chế. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, nhiều dự án xăng sinh học chết yểu cũng một phần do cách làm không hiệu quả của doanh nghiệp đầu tư. Thương trường luôn khắc nghiệt. Sản phẩm làm ra tốt, chi phí, tỷ suất đầu tư hợp lý cộng với cơ chế ưu đãi sẽ giúp doanh nghiệp thắng lớn. Nhưng ngược lại, doanh nghiệp sẽ phải trả giá. Thực tế đến nay đã có 7 dự án ethanol phải dừng hoạt động.

Tuy nhiên, lý do lớn nhất của việc xăng E5 bán chậm chính là lòng tin của người dân về chất lượng xăng E5 vẫn chưa được củng cố.

Thực tế cho thấy, xăng sinh học là sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, thị trường cũng có quyền quyết định riêng của mình. Theo như phân tích khi trả lời báo chí về việc vì sao người dân ít sử dụng xăng E5 của Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, bên cạnh lòng tin về chất lượng chính là việc dư luận không đồng tình với việc nếu để cứu các nhà máy ethanol mà bắt người dân phải sử dụng xăng E5 là không được. Việc này là trái với quy luật phát triển kinh tế thị trường. Cung cầu phải do thị trường quyết định. Người tiêu dùng sẽ tự chọn mua sản phẩm chất lượng, giá rẻ khi bản thân họ được tiếp cận đầy đủ thông tin, doanh nghiệp minh bạch hoạt động của mình.

MỚI - NÓNG