Giẫm đạp

Giẫm đạp
TP - Tỉnh Đồng Tháp vừa từ chối tổ chức Festival lúa gạo lần thứ 3 - năm 2014, dành kinh phí (khoảng 20 tỷ đồng) để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

> Đồng Tháp từ chối tổ chức Festival lúa gạo
> Lúa gạo Việt Nam: Năng suất cao, tổn thất lớn

Bởi, dù với thương hiệu nhất nhì thế giới, nhưng giá lúa gạo vẫn bấp bênh, rớt giá, nông dân vẫn bần hàn, tôn vinh lắm cũng bằng thừa! Cũng như Festival dừa hoành tráng diễn ra, thì bà con nông dân sở tại vẫn méo mặt với dừa.

Những liên hoan kiểu ấy nặng về “đờn ca sáo thổi”, múa hát đè lên lợi ích kinh tế, chẳng giúp ích mấy cho người nông dân.

Trong khi cái cần nhất là chiến lược căn cơ, tổng thể mang tính bền vững về phát triển sản xuất, phân phối, lưu thông, xuất khẩu lúa gạo, trái cây, thủy hải sản, chứ không thả cho tư thương mặc sức thao túng như hiện nay.

Cơ quan chức năng vừa đề xuất gạch luôn tên trong hộ khẩu với những ai ở nước ngoài quá 2 năm. Còn ngành giáo dục một mặt khuyến khích tăng cường chống tiêu cực trong thi cử, lại vừa ra quy định cấm “phát tán thông tin tiêu cực”. Vậy là một đằng “giẫm” lên các quy định về quyền tự do cư trú của công dân được ghi trong Hiến pháp, một bên thì vi phạm Luật Tố cáo.

Thêm, bớt các quy định là việc thường ngày của các cấp quản lý. Có điều thêm cái này, lại giẫm vào cái kia.

Đất đóng băng, dân gửi tiền vào ngân hàng. Thế là Hiệp hội bất động sản nọ liền đề xuất “sáng kiến” đánh thuế thu nhập những khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên, nhằm “buộc” người dân rút tiền quay sang “vực dậy” thị trường nhà đất! Trong khi nhà nước còn đang khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng.

Và về nguyên tắc, muốn khuyến khích người dân gửi tiết kiệm hay không, thì các ngân hàng sẽ nâng hay giảm lãi suất, chứ không phải chỉ chực nhăm nhăm đánh…thuế!

Người ta đang tính cách “giãn” tuổi nghỉ hưu thêm vài năm. Liệu thêm tuổi làm việc cho quan chức, thì có bớt cơ hội phát triển cho lớp kế cận, gây khó cho công tác quy hoạch trẻ hoá cán bộ? Liệu sẽ có “tham nhũng chức vụ” vì lợi ích nhóm? Gì chứ bằng cấp, học hàm học vị bây giờ “sẵn như rau”.

Mà người thích “ôm ghế” bây giờ chủ yếu làm công tác quản lý, lãnh đạo, chứ các chuyên gia thực tài thì dù chưa kịp về hưu đã có khối nơi mời chào, săn đón, có đâu phải sợ lãng phí chất xám!

Vựa lúa Tây Nam bộ giảm bớt một lễ hội tân thời, trong lúc lễ hội cả nước (có thống kê cho thấy đến con số 7.000) vẫn ầm ào cảnh giẫm đạp lên nhau.

Nhất là những lễ hội hoành tráng mới được đẻ ra chẳng có cơ sở truyền thống, văn hoá, cũng không đem lại hiệu quả nào, nhưng lại “xơi” quá lớn tiền thuế của dân.

Các cơ quan quản lý nên tỉnh táo, bớt cho ra những quy định tréo ngoe. Như địa phương nọ, biết bớt đi một lễ hội để khỏi “giẫm đạp” lên nỗi khổ của người nông dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG