“Hai L” và bài học hội nhập

“Hai L” và bài học hội nhập
Letard  và Liberati, hội nhập không chỉ đến với những cái bắt tay và nụ cười trên môi mà rủi thay, bằng cả những va chạm cụ thể.

Một chuyện xảy ra trong thể thao, chuyện còn lại thuộc về vấn đề kinh tế nhưng “hai L” này chắc chắn sẽ còn khiến người ta phải nhớ lâu bởi cái cách lấy tiền của hai vị này nọ bị coi như “chuyện giời ơi” tại Việt Nam nhưng lại hoàn toàn có khả năng “quy ra thóc” ở châu Âu.

Các “khổ chủ” đều bị bất ngờ khi nhận được án phạt được tuyên bởi một tòa án xa xôi nào đó, mà việc thay đổi kết quả hầu như bất khả.

Thứ hai, chỉ đến khi sự đã rồi người ta mới sực nhớ ra rằng trước đó có được phía bên kia thông báo, nhưng vào thời điểm trên ai nấy đều đinh ninh chuyện “chẳng liên quan gì đến mình” hoặc “họ chỉ làm rộn lên thế thôi chứ đâu có gì nghiêm trọng”.

Thứ ba, rất khó quy trách nhiệm được cho một cá nhân cụ thể nào do lịch sử phức tạp của hệ thống quản lý, và rốt cuộc nhà nước là người phải đứng ra gánh chịu hậu quả. Nếu chuyện xảy ra ở ta thì mọi việc có lẽ đã được thu xếp ổn thỏa.

Một số người lập luận như vậy, nhưng họ quên mất rằng như thế là tự huyễn hoặc mình và vẫn cố bấu víu vào giải pháp kiểu “trong nhà đóng cửa bảo nhau”. Tiếc rằng cách nghĩ này không có chỗ đứng trong thời buổi hội nhập.

Gia nhập WTO vào cuối 2005 là mục tiêu mà Việt Nam đặt ra với quyết tâm rất cao. Hiểu theo một nghĩa nôm na nhất, hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa giống như một cuộc chơi lớn. Lợi ích của việc đứng chân trong một tổ chức quốc tế nào đó không hẳn biểu hiện ra bằng những nguồn lợi cụ thể, mà trước hết chính là tư cách và vị thế tương đối bình đẳng giữa những người chơi trong một cuộc chơi.

Đã là cuộc chơi thì phải có luật chơi sòng phẳng mà mọi người chơi đều phải tuân theo. Luật chơi do những kẻ đi trước đặt ra, dựa trên những nhượng bộ và thỏa hiệp về lợi ích thường đem lại ưu thế cho họ. Người mạnh có thể áp đặt được luật chơi, còn kẻ yếu hơn thì buộc phải chơi theo luật.

Chơi theo luật nghĩa là không thể đem đội bóng gồm 12 cầu thủ để tiếp các đội bóng khác chỉ có 11 người. Mức độ thành công của hội nhập tùy thuộc mức độ hoàn thiện của hệ thống luật pháp; cơ chế chính sách về kinh tế-thương mại-tài chính; tính chủ động, tư duy làm việc phối hợp trong bộ máy công quyền, sự năng động của đội ngũ doanh nhân và... sự biết mình biết người.

Để gia nhập WTO, Trung Quốc đã phải gấp rút cử đi đào tạo hàng ngàn chuyên gia trong các lĩnh vực luật, kinh tế, thương mại, công nghệ cao, đồng thời bắt buộc phổ cập ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức.

Thực tế cho thấy chính sự hiểu biết hạn hẹp về hệ thống luật pháp quốc tế và luật pháp của các nước đối tác đã khiến chúng ta phải trả giá qua vụ Letard và Liberati. Không có gì bảo đảm  sẽ không tiếp tục vấp phải những sự cố tương tự trong tương lai nếu chúng ta không tự vượt thoát khỏi những ấu trĩ của chính bản thân.

Điều đó cũng nói lên rằng doanh nghiệp không phải đối tượng duy nhất cần phải xem lại mình và tiếp tục học hỏi. Giá trị của một bài học chính ở chỗ những tri thức và kinh nghiệm quý báu được rút ra. Do đó, hội nhập trước hết là nắm được luật chơi và biết chơi theo luật.

MỚI - NÓNG