Hãy vững tin!

TP - Tính đến hôm nay, đã bước sang ngày thứ ba 12 công nhân bị sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng tồn tại trong lòng đất ở độ sâu 70m, tứ bề kín mít, ẩm ướt và lạnh giá. Họ chỉ liên hệ được với thế giới bên ngoài nhờ 3 mũi khoan thông hơi của lực lượng cứu hộ.

Cháo, sữa cũng được bơm vào từ đây. Các báo điện tử đồng loạt tường trình trực tiếp, cập nhật từng phút từ hiện trường (chỉ thiếu mỗi truyền hình trực tiếp, không hiểu vì sao?). Chủ tịch nước, Thủ tướng chỉ đạo bằng mọi cách phải cứu các nạn nhân nhanh nhất có thể. Chủ tịch tỉnh, rồi 3 vị bộ trưởng (Xây dựng, Công Thương, Y tế)  và hôm qua là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ. Mọi lực lượng cứu hộ có kinh nghiệm nhất đã được huy động, từ đội cứu hộ sập hầm của TKV tới các chiến sĩ công binh.

Cả nước đang hướng về họ, 12 công nhân nghèo, 12 số phận đến từ nhiều vùng quê trên cả nước, đa số là người Nghệ An, Hà Tĩnh và Nam Định. Tất cả đang khẩn trương giành giật sự sống cho họ, cho những đồng bào thân yêu của chúng ta! Hàng trăm, hàng ngàn ý kiến hiến kế giải cứu, hàng vạn lời động viên cảm động từ hàng triệu độc giả trên cả nước đang tới tấp gửi về qua các trang báo mạng. “Hãy vững tin các anh chị nhé! Cả nước nín thở chờ tin vui”, một bạn đọc đã viết như vậy. Ước gì họ đọc được cả vạn lời yêu thương quý giá đó trong lúc này! Liệu 12 công nhân đang sống trong lòng đất sâu hun hút, tối đen như mực và ẩm ướt vì ngập nước, có biết cả nước đang ở bên họ, đang dõi theo từng nhát xẻng của lực lượng cứu hộ ? Chắc chắn nếu họ cảm nhận được điều này, nghị lực và lòng quả cảm của họ sẽ tăng gấp bội phần!

Khi đang viết những dòng này, bác sĩ Đỗ Hoàng Dương từ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội gọi cho tôi xin số máy của PV Tiền Phong đang tác nghiệp tại hiện trường để hiến kế, anh lo lắng 12 nạn nhân sẽ bị lạnh, bị xuống tinh thần nếu không có các biện pháp hỗ trợ y tế và tâm lý kịp thời. Vị BS này cho biết, thống kê cho thấy trong các vụ tai nạn thường có một tỷ lệ lớn nạn nhân bị chết do hoảng loạn tinh thần. Vậy nên rất cần luồn các thiết bị nghe, nhìn chuyên dụng vào giúp các nạn nhân trò chuyện với người thân, quan sát được diễn biến bên ngoài hiện trường cứu nạn. Chỉ chừng đó thôi chắc chắn sẽ giúp họ vững tâm và sức mạnh. Theo BS Dương, việc bơm liên tục khí ôxy ấm vào trong hầm cũng sẽ giúp nạn nhân đỡ bị lạnh, tránh được các biến chứng xấu về sức khỏe.

Còn nhớ vụ 33 thợ mỏ ở Chile sống trong lòng đất cách mặt đất 700m tới 69 ngày vì bị sập hầm lò năm 2010. Một đường dây liên lạc bằng cáp quang được thiết lập để các thợ mỏ có thể nói chuyện điện thoại và đàm thoại có hình. Cuối cùng mỗi thợ mỏ được trang bị một thắt lưng sinh trắc giúp những người trên mặt đất nắm rõ được tín hiệu sống của từng người. Thậm chí họ còn được cung cấp một máy chiếu nhỏ để xem tường thuật bóng đá, được nghe nhạc, được đọc báo và sách Kinh thánh gửi từ bên ngoài vào. Chính những liệu pháp tâm lý này đã giúp họ trụ vững, được cứu sống đồng thời lập kỷ lục sống lâu nhất dưới lòng đất. Hy vọng 12 công nhân Việt Nam cũng sẽ nhận được những trợ giúp kịp thời về cả vật chất lẫn tinh thần.

“Hãy vững tin các anh chị nhé! Cả nước nín thở chờ tin vui”!.

MỚI - NÓNG