Hệ lụy

Hệ lụy
TP - Trong thông điệp Liên bang lần thứ 6, khi bước vào năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định tình trạng biến đổi khí hậu đặt ra thách thức lớn và là mối đe dọa với các thế hệ tương lai.

Ông Obama nói: “Các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đều nói với chúng ta rằng, chính các hoạt động của chúng ta đang làm biến đổi khí hậu. Nếu không hành động một cách mạnh mẽ, chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thấy mực nước tăng ở các đại dương, những đợt nóng hơn và kéo dài hơn, những vụ hạn hán và ngập lụt nguy hiểm, sự chia rẽ có thể kéo theo những đợt di cư lớn hơn, xung đột và đói kém trên toàn cầu”…

Nhiều người đã nghe thông điệp này và cũng như gần mươi năm trước từng nghe về biến đổi khí hậu. Lúc đó, khái niệm này như ở đâu mãi tận Bắc Cực với băng tan, nước biển dâng.

Nhưng gần tháng qua, từ khóa khô khát Tây Nguyên và Nam Trung bộ thực sự khiến các nhà hoạch định chiến lược và cư dân trong vùng cảm thấy thông điệp mà ông Obama nêu lên đầu năm từ bên kia Thái Bình Dương đang nhãn tiền đe dọa cuộc sống.

Hàng ngàn héc-ta cà phê, hồ tiêu, cao su khô cháy. Hàng vạn người dân vắt kiệt sinh lực đi tìm nguồn nước cho sinh hoạt. Gia cầm, gia súc cũng đi tìm vét những giọt nước hiếm hoi trên ao hồ khe suối. Giếng được đào sâu hơn. Nước ngầm nối dài ống khoan sâu vào lòng đá xanh đá tảng. Bất lực và hoang mang. Người dân thở dài nhìn trời cầu mong mưa xuống… Cuống cuồng trong cái nắng nung, xối lửa.

Năm 2014, các chuyên gia thống nhất nhận định rằng đó là năm hạn hán chưa từng có. Xem ra với riêng Tây Nguyên và Nam Trung bộ năm nay đã phá vỡ kỉ lục, ít ra là thời điểm hạn đến sớm bất ngờ.

Nhiều nhà khoa học và chuyên gia khí tượng nước ta đã cảnh báo: Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những tác động bất lợi của nó. Cảnh báo là vậy, dự báo là thế nhưng cứ vào mùa thì mức độ hạn hán cũng như những sự thay đổi cực đoan của thời tiết vẫn gây họa. Những thiệt hại do thiên tai thời biến đổi khí hậu vẫn cứ năm sau cao hơn năm trước. Điều đó khiến cho chúng ta phải đặt nhiều câu hỏi cùng những suy nghĩ đâu là nguyên nhân khiến cho tình trạng trên ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ai đang điều phối, quản lí dòng chảy dân di cư vào Tây Nguyên ngày càng mất kiểm soát, khiến cho mật độ dân số vùng tăng đột biến? Hệ lụy của nó là rừng bị thu hẹp, thảm thực vật, độ che phủ ngày càng suy giảm bởi đốt rừng làm rẫy. Khai thác tài nguyên nước ngầm mạnh ai nấy khoan, phá vỡ tầng địa chất địa mạo. Quy hoạch thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ, ai đang là tổng đạo diễn để biết điều tiết, cân đối sử dụng nước khoa học và tiết kiệm nhất. Hàng trăm ngàn héc-ta cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày tự phát theo thị trường với điệp khúc trồng chặt có phá vỡ quy hoạch, sinh thái, đa dạng sinh học… Bao nhiêu câu hỏi đặt ra và không ai hy vọng câu trả lời rằng, bởi do “ăn mặn” nên phải “ khát nước” thôi!  

MỚI - NÓNG