Hội chứng “rút ruột”

Hội chứng “rút ruột”
Hãng tư vấn Political & Economic Risk Consultancy Ltd có trụ sở tại Hongkong vừa đưa ra một đánh giá khá tiêu cực. Theo đánh giá trên, Indonesia là quốc gia tham nhũng nặng nhất châu Á, tiếp đến là Philippines và Việt Nam.

Chưa ai lượng định nhận xét ấy chính xác đến đâu, song những gì diễn ra trong nước vào thời điểm này dường như lại chứng minh cho đánh giá trên.

Vụ “ăn bớt” thép tại công trình tái định cư ở Kim Giang (Hà Nội) chưa kịp lắng xuống, đã lại vỡ lở chuyện ông Phó TGĐ của HUD “phù phép” biến hàng ngàn mét vuông đất và 4 tòa biệt thự trong dự án khu đô thị mới thành của mình để đem bán.

Rồi Tổng hội Xây dựng Việt Nam lần đầu tiên công bố 59 địa chỉ thất thoát đầu tư năm 2004 được báo chí phanh phui (riêng Tiền Phong đã phát hiện gần 10 vụ).

Rõ ràng hội chứng “rút ruột” đang diễn ra tràn lan và nghiêm trọng. Là một cách gọi khác của tham nhũng, “rút ruột” có mặt nhiều nơi: từ công trình xây dựng chợ đầu mối cho tới kho cảng khí hóa lỏng Thị Vải, nhà máy hóa lọc dầu Dung Quất...., thậm chí ngay cả nhà tình thương cũng không thoát.

Điều nguy hiểm là “tư tưởng rút ruột” dường như đã bắt rễ vào suy nghĩ của rất nhiều những cái đầu có trách nhiệm, liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến hạng mục xây dựng. Thật không may, nếp nghĩ “tội gì mà không ăn” có vẻ như được không ít người tán thành.

Trong bối cảnh không “ăn” trong khi cơ hội quá dễ “ăn”, xác suất bị phát hiện và trừng phạt thấp, trách nhiệm cũng như ràng buộc về mặt đạo đức lại cực kỳ yếu ớt, rất có thể sự liêm sỉ sẽ bị coi như một hành vi bất thường hoặc “dở hơi”. Điều này phần nào lý giải tại sao việc móc ngoặc, thông thầu, lại quả, chia chác, bớt xén, chấm mút...lại trở nên mặc nhiên đến mức trắng trợn.

WB đã kết luận tham nhũng có thể nảy sinh ở bất cứ khâu nào trong vòng đời của một dự án. Mức độ tham nhũng tỷ lệ nghịch với mức độ công khai, minh bạch trong tất cả mọi vấn đề liên quan đến dự án. Chính sự nhập nhằng, khép kín trong vấn đề quản lý là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thất thoát, lãng phí trong đầu tư XDCB thời gian qua.

Việc không tách bạch được quản lý ra khỏi kinh doanh trong cơ chế cơ quan chủ quản thực sự là mảnh đất màu mở để tham nhũng sinh sôi. Bộ hoặc ngành, địa phương vừa là chủ đầu tư, vừa có quyền chọn nhà thầu, đơn vị tư vấn, thiết kế, giám sát thì thực chất vẫn là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Phá vỡ sự khép kín trong quy trình đầu tư là một giải pháp chống thất thoát được nêu ra tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi. “Bệnh” thì đã “bắt” đúng, “thuốc chữa” cũng đã có, nhưng không biết có dám dùng và dùng như thế nào mà thôi. Bởi lẽ quy trình đầu tư khép kín, xét về bản chất, là một quy trình gài cắm vô số lợi ích cá nhân. Nếu không phá vỡ được nó thì chuyện “rút ruột” chắn chắn sẽ còn diễn ra dài dài.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.