Hội đồng nào?

Cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân
Cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân
TP - Không hiểu hội đồng nào tư vấn cho Bộ Tài nguyên & Môi trường ra nhiều quyết định gây tranh cãi mà gần đây nhất là cho đổ chất nạo vét xuống biển Bình Thuận, dù các quyết định ấy đều đúng quy trình?

Ngày 28/6, trang thông tin của Bộ trưởng TN&MT bố cáo cho phép Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần triệu m3 vật liệu nạo vét sát nách khu bảo tồn biển Hòn Cau và bãi cạn Breda từ tháng 6 đến tháng 10. Quy trình đại loại, sau đề nghị của doanh nghiệp, Bộ TN&TM cho thành lập hội đồng 22 thành viên để “thảo luận và kiến nghị”. Bộ còn hỏi các ngành, địa phương, rồi viện các văn bản pháp luật.

Từ đó quyết định được ban hành ngày 23/6 dựa trên tám lý lẽ mà nhiều trong số đó đều có vấn đề. Chẳng hạn, một lý do được nêu ra là “vật, chất được phép nhận chìm không thể lưu giữ, xử lý trên đất liền vì phải có diện tích lớn trong khi địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để lưu giữ, xử lý; đồng thời sẽ gây nhiễm mặn, ô nhiễm môi trường khu vực lưu giữ và khu vực lân cận”.

Vấn đề ở chỗ, khi đánh giá tác động môi trường của cái sẽ là “trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước”, hội đồng có tiên lượng viễn cảnh ấy không? Nếu không, vì sao? Nếu có, cớ chi vẫn cho làm?

Đổ xuống biển dù núp dưới bất cứ ngôn từ nào, trong trường hợp này là “vật liệu nạo vét”, ngày càng trở nên ngặt nghèo hơn về điều kiện, nhất là sau khi Nghị định thư London về công ước ngừa ô nhiễm đối với nhận chìm chất thải và các chất khác trên biển có hiệu lực từ 2006.

Lý lẽ nặng ký nhất mà bên cổ suý xả thải dựa vào là địa điểm đổ “vật liệu nạo vét” có độ sâu -36 m trong khi khu bảo tồn biển Hòn Cau chỉ sâu -5-10 m. Từ đó họ xác quyết “khó có khả năng dịch chuyển vật, chất nhận chìm ở đáy biển đến Hòn Cau”. Có tin được không khi khoảng cách hai nơi ấy chỉ 8 km trong khi thành phần của hơn 900.000 m3 vật chất được phép nhận chìm có “20% là bùn”, chưa kể các hạt kích thước nhỏ khác từ “80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa”?

Vụ ô nhiễm biển miền Trung 2016 lịch sử do Formosa gây ra cũng thấy các chức thuộc làm đúng quy trình. Vậy mà loạt lãnh đạo Bộ TN&MT sau đó bị kỷ luật. Kết luận nguyên nhân “sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường… là do các độc tố phenol, cyanua” của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường lại bị các nhà khoa học bảo thiếu thuyết phục. Rồi lùm xùm ở dự án khai khoáng Núi Pháo lớn nhất VN vừa công bố đặt ra trách nhiệm của nhiều hội đồng phê duyệt trước đó. Tại sao các vi phạm nghiêm trọng hơn chục năm qua, thanh tra giờ mới biết?

Có thể có lý do hợp lý nào đó nhưng ít gì vẫn để lại cảm giác những người giữ trọng trách ở bộ chủ quản đang thiên về kinh tế hơn là giúp chính phủ và xã hội gác cửa về môi trường khi xem xét các dự án phát triển.

MỚI - NÓNG