“Hòn ngọc”... chìm

TP - Nạn ngập lụt liên miên , những dòng xe cộ ken đặc, tắc tị ở các cửa ô và ngay trong nội đô chắc chắn đang hủy hoại hình ảnh của một thành phố được nhiều người xem là “đất hứa”.

Với địa hình thấp, trũng, chịu ảnh hưởng rõ rệt của triều cường và các tác động của biến đổi khí hậu đang đặt ra cho TPHCM-Sài Gòn bài toán nan giải trong việc xử lý nạn ngập lụt. TPHCM đang ngày càng tỏ ra kém hấp dẫn với người dân và các nhà đầu tư. Với tình hình hiện nay, để bắt kịp sự phát triển của các thành phố trong khu vực cũng còn khó, huống chi vươn lên trở thành một “Hòn ngọc Viễn đông” thực sự của Đông Nam Á.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại danh xưng này một chút.

Năm 1698, theo lệnh của chúa Nguyễn, tướng Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự hình thành của thành phố. Khi người Pháp tới, Sài Gòn ra đời và nhanh chóng trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất, đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam và Đông Nam A, bao gồm cả đường bô, đường sắt, đường thủy và đường không. Nhưng cũng cần phải nhắc lại rằng, “Hòn ngọc Viễn đông” ấy năm năm 1896, chỉ rộng khoảng 7km2, tức là chỉ gồm các khu vực quận 1, 3, 4, 5 của thời hiện tại. Người ta mô tả lại rằng thời ấy Sài Gòn rất nhỏ, chỉ cần đi xa 20 km là có thể săn thú rừng. Và cũng không nên quá ảo tưởng với danh xưng “hòn ngọc” chỉ mang tính biểu trưng. Pháp, ngoài Sài Gòn, cũng gọi Phnom Penh (thủ đô Campuchia hiện nay), lúc đó trong Liên bang Đông dương, là “Hòn ngọc Viễn đông”. Mà hai “hòn ngọc” này còn thua xa nhiều thành phố khác ở châu Á hay hẹp hơn là Đông Nam Á.

Cho nên, công việc chính của TPHCM - Sài Gòn là cấp thiết giải quyết những bài toán về quy hoạch đô thị-hạ tầng để tránh bị tụt hậu quá xa, tránh đánh mất những lợi thế phát triển sẵn có về vị trí địa lý, chứ đừng nên nói to tát đến một “hòn ngọc” hay “đô thị đáng sống nhất”… Và một trong những bài toán lớn nhất là giải quyết cho được nạn ngập lụt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng đi kèm với sự lún sụt của cốt nền toàn thành phố. Theo một tính toán được công bố đầu năm 2014, nhiều nơi tại TPHCM đang lún với tốc độ nhanh, từ 1,5 - 2 cm/năm, có nơi lên tới 3 cm/năm. Tốc độ này gấp 3 lần tốc độ dâng của mực nước biển. Kết quả nghiên cứu từ năm 1996 đến 2014 cho thấy, có nơi đã lún khoảng 40 cm, thậm chí ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) chỉ trong vài năm đã lún đến 70 - 80 cm.

Ngập lụt, kẹt xe, nạn cướp giật đang ngày ngày hoai mòn hình ảnh của TPHCM, khiến đô thị này ngày càng kém hấp dẫn trong mắt những người có nhu cầu nhập cư và các nhà đầu tư. Thành phố trở nên kém hấp dẫn, động lực phát triển cũng vì thế mà giảm sút. Đó là thách thức lớn mà đô thị này phải tìm mọi cách giải quyết cho được.

MỚI - NÓNG