Khi dân 'tự xử'

Khi dân 'tự xử'
TP - Liên tiếp có những vụ người dân “tự xử” trước những hiện tượng, vụ việc mà họ bức xúc: chặn xe trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận để phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ô nhiễm môi trường (ngày 15/4); đổ tôm cá chết ra Quốc lộ 1, tập trung đông người ở Cam Ranh, Khánh Hòa cũng để phản đối hoạt động của một số doanh nghiệp bị cho là gây ô nhiễm khiến tôm cá nuôi của người dân chết hàng loạt. 

Trước đó, ngày 17/3, người dân thôn 5, xã Đại Lào, Bảo Lộc, Lâm Đồng cũng chặn xe chở bê tông nhựa nóng của một công ty do khói bụi và bột đá từ trạm trộn bê tông nhựa nóng phủ kín vườn chè và cà phê của họ. Mới đây nhất, rạng sáng 18/4, hàng trăm dân làng Kon Sơ Lăl ở xã Hà Tây, huyện Chư Păh, Gia Lai tổ chức đón lõng, bắt hai ô tô chở gỗ lậu. Lý do được nói là do dân bức xúc về tình trạng phá rừng liên miên không ai kiểm soát.

Việc “tự xử” của người dân trong nhiều trường hợp là khá nguy hiểm, dễ dẫn đến bạo động. Trong vụ chặn Quốc lộ 1A tại Bình Thuận, đã có người bị thương, xe cộ, tài sản bị đập phá, giao thông huyết mạch ách tắc. Đáng lo ngại là tần suất các vụ “tự xử” dường như đang tăng lên. Cho dù với lý do gì, hành vi bất chấp pháp luật, tự ý giải quyết các mâu thuẫn, bức xúc trong cuộc sống gây nguy hiểm đối với cộng đồng và có thể bị kẻ xấu lợi dụng. Tuy nhiên, nếu chính quyền phản ứng cứng nhắc, không lắng nghe, tìm hiểu tâm tư của người dân, không có biện pháp giải quyết kịp thời thì những mâu thuẫn nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Bởi suy cho cùng, đối với đa số người dân lương thiện, ai cũng chỉ mong được yên ổn để làm ăn, sinh sống. Trong vụ việc ở Bình Thuận, nhờ các bên liên quan nhanh chóng xử lý tình trạng ô nhiễm khói bụi do bãi xỉ thải ra trong quá trình vận hành của nhà máy nhiệt điện và có những biện pháp mềm dẻo, cuộc khủng hoảng đã được giải tỏa sau hơn 30 giờ ách tắc. Còn nếu UBND phường Cam Phúc Bắc, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa xử lý ngay các bức xúc, khiếu nại của người dân khi họ phản ánh tình trạng tôm hùm, cá bớp nuôi trị giá nhiều tỷ đồng chết hàng loạt thì đâu đến nỗi người dân xót của đổ hết tôm cá chết ra mặt lộ và tập trung đông người làm ách tắc giao thông? Nếu chính quyền làm tốt công tác bảo vệ rừng thì đâu đến mức người dân phải bức xúc tự tay chặn bắt lâm tặc?

Vậy mới nói, khi chính quyền làm đúng, kịp thời các công việc, nhiệm vụ của mình thì chắc chắn dân sẽ không phải bức xúc đến độ “tự xử”.

MỚI - NÓNG