Khi điền kinh được đầu tư

TP - Nhân Việt dã toàn quốc và marathon báo Tiền Phong 2017 diễn ra tại Ninh Bình, chúng tôi đã khảo sát qua chế độ ăn, tập của VĐV nhiều địa phương. Con số là rất khác nhau.

Khánh Hòa có chế độ hàng ngày cho VĐV trẻ 50.000 đồng, tiền công tập 20.000 đồng (chỉ tính 26 ngày, trừ 4 ngày Chủ nhật). VĐV đội chính, hoặc được xếp hạng kiện tướng thì có cao hơn.

Thanh Hóa chế độ cho VĐV trẻ nhỉnh hơn, theo lời HLV Lưu Văn Hùng khoảng hơn 700.000 đồng/tháng. Tùy từng đội và VĐV, tiền công tập hàng tháng có thể hơn 2 triệu đồng, tiền ăn cũng phân từng mức 80.000 đồng/ngày, 120.000 đồng/ngày hoặc 150.000 đồng/ngày. Tỉnh Thanh Hóa có chế độ thưởng thêm cho VĐV đạt thành tích trong nước và quốc tế, cũng vào diện khá so với nhiều địa phương.

Nhưng nằm trong nhóm cao nhất, khiến nhiều đoàn khen tị phải kể tới Ninh Bình. Địa phương chủ nhà đăng cai Việt dã toàn quốc và marathon báo Tiền Phong năm nay có chế độ thuộc hàng “tốp” trong cả nước. Cụ thể, Trưởng bộ môn Điền kinh Ninh Bình Nguyễn Đình Cương cho biết, VĐV đội chính được ăn với mức 150.000 đồng/ngày, VĐV trẻ 120.000 đồng/ngày, VĐV năng khiếu 90.000 đồng/ngày.

Tuỳ từng đội và theo thành tích, VĐV còn được nhận thêm tiền hỗ trợ trực tiếp từ phía UBND tỉnh. VĐV nếu đoạt huy chương SEA Games, châu Á và thế giới có thể được cộng thêm chế độ lần lượt là 12 triệu đồng, 18 triệu đồng hoặc 50 triệu đồng từ tỉnh. “Với các trường hợp cá biệt, ngoài tiền ăn uống, thuốc men…chúng tôi còn đề xuất xin thêm khi cần”- HLV Nguyễn Đình Cương nói.

Ninh Bình cũng là địa phương đầu tư khá mạnh cho điền kinh những năm qua, với kết quả hút được cả hai gương mặt xuất sắc của điền kinh Việt Nam một thời về làm việc, Nguyễn Đình Cương và Trương Thanh Hằng. Kết quả thể hiện qua Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong năm nay là vị trí đáng kể ở nhiều nội dung, nổi bật là HCV marathon Vũ Văn Sơn.

Trước ngày thi đấu, UBND tỉnh Ninh Bình đã cử hẳn một lãnh đạo cấp cao của tỉnh tới chia sẻ, động viên đội thi đấu. Chuyện này được HLV một đơn vị miền trung nhắc lại với khá nhiều cảm thán. Ở tỉnh cô, mỗi năm một lần đơn vị được gặp lãnh đạo tỉnh, cao nhất chỉ là tỉnh uỷ viên, hầu như không có khả năng đưa ra quyết sách về chế độ cho VĐV.

Chế độ là một chuyện quan trọng, dù thể thao, lại đặc biệt là điền kinh, vốn sẵn vừa nghèo vừa vất vả. Nhưng được lãnh đạo tỉnh trực tiếp gặp gỡ, chia sẻ tâm tư, chế độ không tăng nhưng VĐV cũng ấm lòng vì cảm thấy được quan tâm.

Ở góc độ rộng hơn, giới thể thao xưa giờ vẫn cám cảnh phận “con ghẻ”, vì cảm giác không được ngành “thương nhiều” như văn hoá hay du lịch, dù mức độ quan trọng của việc rèn luyện thể chất, nâng cao tầm vóc quốc dân quan trọng thế nào ai cũng rõ. Hơn năm trở lại đây, thành tích tăng, cũng chỉ bù thêm dăm bó hoa chúc mừng từ lãnh đạo ngành.

Sự quan tâm không thấy nhích lên là bao. Nói riêng môn điền kinh, nhiều cự li quan trọng có dấu hiệu đi xuống, hệ thống thi đấu non và yếu, nhưng vài năm lại đây, chưa thấy ngành có động thái đầu tư để thay đổi. VĐV các địa phương thì vẫn bươn bả tập luyện với chế độ như ví von của một HLV dự Việt dã, thấp hơn cả lương công nhân.

MỚI - NÓNG