Khi đường là hàng hóa

TP - Quốc lộ vừa làm xong đã hằn lún, lồi lõm sống trâu là hiện tượng đang bị dư luận lên án mạnh mẽ. Đây là vấn nạn không mới nhưng nó lại trở nên nóng khi giờ đây người dân phải trả phí khi đi trên con đường đó.

Hiện nhiều tuyến đường do tư nhân đầu tư theo hình thức BOT, dân chúng muốn lăn bánh phải trả tiền sòng phẳng. Như vậy đường sá đã chính thức trở thành một dạng hàng hóa, dịch vụ phải trả tiền. Việc bỏ tiền ra mà phải đi trên đường lồi lõm sống trâu, mất an toàn dân không kêu, không phản ứng mới là lạ!

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nói: “Đường bị hằn lún không đảm bảo chất lượng, theo ngôn ngữ pháp lý gọi là hàng hóa có khuyết tật, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Theo quy định người dân có thể yêu cầu chủ đầu tư hoàn lại tiền hoặc phải làm lại đường mới đảm bảo chất lượng, an toàn”. 

Tức là không chỉ dừng lại ở mức phàn nàn, phản ứng nữa, mà người dân có thể khởi kiện, đòi bồi thường theo luật với tư cách người mua phải thứ hàng hóa, dịch vụ tồi. Do đó, việc các nhà thầu phải dừng thu phí khi sửa chữa đường không đảm bảo chất lượng là điều đương nhiên, bởi không thể bán một sản phẩm lỗi ra thị trường.

Đáng chú ý, loại hàng hóa dịch vụ này lại hoàn toàn do cơ quan quản lý nhà nước định giá kiêm luôn kiểm định chất lượng. Chưa hết, đó lại là loại hàng hóa đặc biệt thiết yếu bởi ai cũng phải đi. Hơn thế tại nhiều tuyến đường dù xấu thì dân vẫn phải đi vì không có sự lựa chọn nào khác. 

Do tính chất đặc biệt như vậy chắc chắn cần phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước, của các tổ chức xã hội liên quan như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng và người dân với tư cách là khách hàng. Chỉ có điều ai sẽ là người đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng này của người dân?

MỚI - NÓNG