Khi người bay cô đơn

Cơ phó Lubitz
Cơ phó Lubitz
TP - Bây giờ, có lúc kẻ tự tìm đến cái chết không còn được gọi là “tự sát” nữa rồi. Khi anh ta khiến hàng trăm người vô tội khác cùng phải chết theo mình. Như trường hợp viên cơ phó Lubitz 28 tuổi người Đức với chuyến bay định mệnh mới đây, được cho là đã đâm thẳng máy bay xuống núi Alps (Pháp) khiến chính mình cùng 149 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Kiểu chết này khiến các nhà tâm thần học, ngôn ngữ học đến lúc phải nghiên cứu tìm ra một tên gọi mới, khái niệm mới. Bởi không giống lắm với hành vi ôm bom khủng bố, hoặc hận đời xả súng vào trường học, rạp hát rồi sau đó tự bắn vào mình. 

Vẫn chưa có kết luận chính thức cuối cùng về nguyên nhân thảm họa. Nhưng với những gì mà thế giới được biết đến lúc này, thì khả năng viên phi công trẻ trong phút giây cô đơn, trầm cảm, đã quyết định làm một điều khủng khiếp để sau đó “tất cả mọi người biết và nhớ đến tên” mình, rất có thể là sự thật.

Ngay sau sự việc, các hãng hàng không trên thế giới vội ra quy định buộc phải luôn có mặt cả hai phi công trong buồng lái suốt chuyến bay. Lãnh đạo hàng không Việt Nam cũng vừa chỉ thị trên chuyến bay, nếu một phi công có việc rời buồng lái, thì tiếp viên trưởng phải ngồi “trực” bên cạnh người còn lại đang điều khiển tàu bay. Cũng như lên quy trình kiểm tra giám sát thường xuyên trạng thái tâm lý phi công trước mỗi chuyến bay, hòng ngăn ngừa những thảm nạn tương tự.

Thế giới này con người ngày càng cô đơn. Cô đơn của nhà thơ có khác cô đơn của một viên phi công nắm trong tay sinh mạng hàng trăm người sau lưng mình ? Khác cô đơn của người nắm quyền nhấn nút tên lửa, hạt nhân, so với bao la đông đảo những phận người bình thường còn lại? Liệu hai người cùng ở trong một buồng lái thì có bớt cô quạnh hơn một người?

“Nghề bay là một dạng “ecstasy” - thứ ảo giác, thách thức các giới hạn về thể trạng và tâm lý” - một nhà văn đã viết như vậy. Khi bình về cuốn “Bay đêm” của nhà văn lừng lẫy kiêm phi công người Pháp Antoine de Saint - Exupéry (1900-1944). Viên phi công Fabien trong cuốn tiểu thuyết đơn độc, quả cảm bay xuyên màn đêm và bão tố. Những người bay - Fabien trong văn chương và Saint - Exupéry ngoài đời, đều có kết thúc giống nhau, cùng mất tích vĩnh viễn giữa bầu trời, không bao giờ trở về. Họ cô đơn bởi chỉ có thể một mình đối diện với mọi thách thức, hiểm nguy giữa bầu trời vô tận. Nhưng là nỗi cô đơn không tuyệt vọng, không sợ hãi. Khi từ trên cao luôn nhìn thấy sự hiện diện của con người bằng ánh sáng, bằng những tiếng gọi, cả nỗi âu lo lấp lánh.

Hành tinh loài người như chuyến bay đang qua vùng nhiễu loạn. Khi cái “Tôi” của mỗi con người bị rung lắc, dao động trong một thế giới hiện đại với những trật tự và quy luật mới. Khi những tư tưởng, tôn giáo đã dần chật chội không đủ sức dung chứa từng cái “ngã” của con người. 

Cảnh giác hơn không, giữa kỷ nguyên của “Những người bay không có chân trời” (Trần Dần)?

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.