Khó mà thông thái

Khó mà thông thái
TP - Chưa dứt nỗi lo từ những vụ ngộ độc thức ăn tập thể liên tiếp xảy đến với công nhân, học sinh; giờ đây người dân lại phải đối diện hàng loạt cảnh báo từ thực phẩm nhiễm độc có thể gây ung thư.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 8 triệu người bị ngộ độc thực phẩm hoặc liên quan thực phẩm, cướp đi sinh mạng của khoảng 200 người và làm thiệt hại khoảng 200 triệu USD/năm. Đó cũng là lý do khiến những người “canh” bữa ăn cho dân đau đầu. Phương thuốc nào trị căn bệnh ngộ độc thực phẩm đến nay vẫn là câu hỏi lớn.

Còn nhớ cuộc tranh luận về phân công quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cách đây chừng một năm giữa 3 bộ (Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Y tế và Công Thương) diễn ra nảy lửa, nhưng rút cục những bất đồng vẫn chưa được giải quyết tận gốc.

Bộ Công Thương nói Bộ Y tế nên quản lý thức ăn đường phố, ban hành quy chuẩn kỹ thuật, còn họ sẽ quản lý các nhóm thực phẩm (gồm nước giải khát, sữa, bột ngũ cốc và sản phẩm từ bột ngũ cốc). Trong khi Bộ NN&PTNT cho rằng họ quản lý nguyên liệu chế biến thực phẩm. Thế nhưng, Bộ Y tế lại cho rằng nên để họ quản lý tất cả sản phẩm thực phẩm ăn liền, còn Bộ Công Thương kiểm tra gian lận thương mại.

Trong khi ai quản lý gì vẫn chưa ngã ngũ thì thực phẩm không sạch, không nguồn gốc, nhiễm chất có thể gây ung thư… vẫn tràn lan ngoài thị trường. Số vụ ngộ độc vẫn tăng.

Nhiều cấp ngành cho rằng, mô hình “từ nông trại đến bàn ăn” (tức là phải đảm bảo từ khâu nuôi trồng, thu hoạch đến chế biến, lưu thông và tiêu dùng) được cho là cứu cánh, đem miếng ăn sạch đến cho dân trong thời buổi ngộ độc xảy ra nhiều. Nhưng thử hình dung có bao nhiêu loại thực phẩm đã được quản lý theo “chuỗi” như vậy? Trái cây, rau củ ngoại nhập ngậm hóa chất, thịt đông lạnh nhập khẩu nhiễm khuẩn vẫn đến các cửa hàng được bán như thực phẩm sạch…

Mô hình thực phẩm sạch được đánh giá hiệu quả nhưng đến nay có vẻ không như mong đợi. Thực tế trong hơn 500.000 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm của cả nước mới chỉ có hơn 10% được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, số còn lại vẫn bị thả nổi.

Đơn cử tại TPHCM với gần 10 triệu dân, mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm tấn thịt, rau củ quả nhưng có 80% hàng nhập từ mọi ngả đường đến, vậy nên mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” xem ra không thể thực hiện.

Nhiều người có trách nhiệm cứ kêu gọi người dân hãy làm người tiêu dùng thông thái nhưng trong thời buổi quản lý thực phẩm còn nhiều lỗ hổng dù có thông thái mấy cũng khó tránh khỏi bị lừa.

Hằng ngày, những người trồng rau sạch lại không dám ăn rau của mình trồng ra, những trái cây bên ngoài tươi ngon nhưng bên trong phình thối vẫn được bày bán ngoài chợ, trong cả siêu thị; con cá tươi rói nhờ ủ urê; tương ớt, ớt bột đỏ tươi hay gia vị, sa tế ngon hơn vì ngậm hóa chất công nghiệp; đến giò chả, bánh phở cũng ngâm phoóc môn, hàn the… Trong ma trận như vậy người tiêu dùng có thông thái nổi không?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.