Khó như thoái vốn (!?)

Khó như thoái vốn (!?)
TP - Thoái vốn đang là tâm điểm trong mùa đại hội cổ đông này của nhiều doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Trước tình trạng hơn 96% doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa nhưng tổng số vốn nhà nước bán ra chỉ có 6% (tức còn đến 90%), mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cần xác định trách nhiệm trong cổ phần hóa, xử lý nghiêm người đứng đầu, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) cố tình sai phạm, thực hiện kém.

Theo Phó Thủ tướng, việc thoái vốn trở thành yêu cầu khá cấp bách trong giai đoạn này bởi, hơn lúc nào hết, Nhà nước đang rất muốn tranh thủ thu hút mạnh mẽ nguồn vốn của tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ. Nhưng dù khuyến khích đi kèm lộ trình, đại diện Chính phủ vẫn không quên nhắc nhở: phải thoái vốn công khai, minh bạch, đảm bảo đúng giá  trị, không làm mất tiền Nhà nước.

Gần đây, đâu đó trong những phiên thoái vốn hay đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, chợt thấy nổi lên những hiện tượng lạ. Ví như một vài nhà đầu tư cá nhân không tên tuổi, bỗng dưng có thể chi cả vài trăm, thậm chí ngàn tỷ đồng để “mua” cổ phần chi phối tại một vài DN. Đành rằng Nhà nước thoái, “anh có tiền anh có quyền mua”, cũng lẽ thường tình, thậm chí còn mừng khi vốn Nhà nước bán được không... ế, nhưng giật mình khi thử “soi” vào một vài phiên mua bán, thấy hành tung bí ẩn cách các “đại gia” này xuống tiền.

Mổ xẻ, thấy họ sẵn sàng chi khoản tiền cả trăm tỷ, trong khi chưa từng sở hữu một cổ phiếu nào của những DN này trước đó.  Đáng nói, tìm hiểu kỹ mới thấy những DN “đắt hàng” này đều chung “mẫu số”  sở hữu vị trí đất vàng. Theo một chuyên gia, dù mua phần vốn thoái theo giá niêm yết (cổ phiếu) trên thị trường nhưng nếu sau đó họ lại dùng chính phần vốn và quyền biểu quyết đó để thay đổi cơ cấu, cách điều hành, quản trị DN và cuối cùng, làm biến mất những tên tuổi trường tồn thì đó thực sự là điều đáng quan ngại.

Tại cuộc họp về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tuần trước, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết, theo quyết định của Thủ tướng, từ 2017-2020 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước, tập trung ở 4 bộ, ngành, 32 địa phương và 4 tập đoàn kinh tế. Theo Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, về thoái vốn nhà nước, đến hết ngày 25/3, cả nước đã bán phần vốn nhà nước có giá trị sổ sách 71,8 tỷ đồng tại 10 doanh nghiệp không cần nắm giữ và thu về 72,8 tỷ đồng, trong đó có 6 doanh nghiệp phải thoái vốn dưới mệnh giá.

Năm 2017, theo lộ trình Chính phủ đã phê duyệt, việc thoái vốn tại các DN, đặc biệt Tập đoàn, Tổng công ty lớn.  Những ngày này, tại đại hội cổ đông các “ông lớn” như Habeco, Sabeco, Vinamilk câu hỏi các cổ đông quan tâm và đặt ra nhiều nhất vẫn là thời điểm và tỷ lệ thoái vốn mà Nhà nước sẽ thực hiện thế nào tại DN này. Thoái vốn sao cho công khai, minh bạch, không sai phạm, không làm mất tiền Nhà nước, bài toán này khó nhưng phải làm!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.