Khóa van chuyển giá

Khóa van chuyển giá
TP - Sau một lần khất hẹn, xin Chính phủ cho lùi 5 tháng, mới đây, Bộ Tài chính lần đầu tiên trình dự thảo nghị định lấy ý kiến các bộ ngành về quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giá, chống thất thu ngân sách.

Việc xây dựng Nghị định về chống chuyển giá đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế bàn đến từ cuối 2011, đầu năm 2012 khi liên tiếp các nghi án đại gia FDI trốn thuế nhiều năm ở Việt Nam được báo chí đề cập. Nhiều bất cập, yếu kém trong chống chuyển giá ở Việt Nam đã được mổ xẻ.

Thực tế, theo kết quả thanh tra, kiểm tra 420 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết trong năm 2015, cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt hơn 4.895 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 3.104 tỷ đồng; giảm khấu trừ 206,81 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 801,7 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ trong bối cảnh ngành thuế đứng mũi chịu sào rất lớn trước áp lực thu tăng dần mỗi năm để đảm bảo ngân sách.

Một lãnh đạo ngành thuế khi trao đổi với PV Tiền Phong cũng thừa nhận việc “vạch lá tìm sâu chuyển giá” tại các doanh nghiệp FDI là nhiệm vụ khó nhằn trong quản lý thuế hiện nay.

Khó là đương nhiên khi bên cạnh sự yếu kém về con người, kinh nghiệm, nhiều quy định pháp luật cũng càng khiến công tác chống chuyển giá gặp khó khăn. Trên thế giới, trung bình một cuộc thanh tra chống chuyển giá kéo dài từ 18 tháng đến 24 tháng, đặc biệt có cuộc kéo dài đến 13 năm và không quốc gia nào khống chế thời hạn của một cuộc thanh tra về giá chuyển nhượng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo Luật Thanh tra thời gian thanh tra dài nhất cũng chỉ được phép trong 70 ngày.

Chưa kể bên cạnh các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI lớn có đội ngũ kế toán giỏi, là cả mạng lưới hỗ trợ gồm những công ty tư vấn tài chính lừng danh với hàng loạt chuyên gia về chuyển giá giỏi, luật sư am hiểu làu làu hệ thống pháp luật của từng quốc gia, từng lĩnh vực của doanh nghiệp hoạt động. Chính vì vậy mà nhiều nước tiên tiến, thậm chí cũng phải thừa nhận “bó tay” chưa có giải pháp hữu hiệu do các hành vi chuyển giá, trốn thuế thực hiện quá tinh vi, phức tạp.

Theo dự thảo được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, cơ quan thuế sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp độc lập theo từng ngành nghề có rủi ro cao về giá chuyển nhượng. Đồng thời ngành thuế sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng đối với các tập đoàn có nhiều doanh nghiệp thành viên; các doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm chưa được thanh tra kiểm tra, đang được hưởng ưu đãi về thuế… các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế.

Một biện pháp được đánh giá hữu hiệu khác sẽ được áp dụng chính là việc cơ quan thuế sẽ trao đổi thông tin, đàm phán với cơ quan thuế nước ngoài có liên quan và bắt tay với các bộ, ngành để xác định giá trị máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu tại khâu nhập khẩu, ngăn chặn các doanh nghiệp khai báo gian lận với mục đích tăng chi phí đầu vào, giảm lợi nhuận gây thất thu ngân sách. Việc thực hiện quyết liệt các giải pháp với sự tham gia của nhiều bộ ngành được kỳ vọng sẽ giúp khóa những kẽ hở về luật pháp, chặt đứt vòi bạch tuộc luân chuyển tài chính ngầm giữa các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia. 

MỚI - NÓNG