Không thể chậm hơn

Không thể chậm hơn
TP - Cách đây gần 10 năm, báo Tiền Phong đã đăng những bài viết về xe khách chạy xuyên tâm thành phố Hà Nội. Hồi đó, giao thông Thủ đô chưa bức thiết như bây giờ, nhưng những chiếc xe khách chạy chồng chéo, xuyên tâm cũng khiến tình trạng ách tắc thêm trầm trọng.

Đến nỗi năm 2008, trước tình trạng này, cả Giám đốc Công an và Giám đốc Sở GTVT lúc bấy giờ cùng kiến nghị (ngày 8/5/2008) “sắp xếp, điều chỉnh các tuyến xe khách”. Một tháng sau, UBND TP Hà Nội có thêm văn bản hối thúc Sở GTVT, Công an TP, Tổng Cty Vận tải Hà Nội rà soát và báo cáo.

Thế nhưng, có lẽ câu “Hà Nội không vội được đâu” vận thế nào, chỉ đến giai đoạn Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới giải quyết nổi một chủ trương đúng đắn, hợp lý của gần một thập kỷ trước. Từng đó thời gian, bao nhiêu cao ốc, bao nhiêu con đường, cầu vượt đã mọc lên và ùn tắc ngày càng nghiêm trọng. Buổi sáng đi làm, radio thông báo nơi này tắc nghẽn, nơi kia “thất thủ”. Giá như, việc cũ, đội ngũ cũ làm rốt ráo thì nay đâu đến mức khổ sở. Đến cả chuyện cắt cỏ tuyến đường dài hơn 20 km tốn 53 tỷ đồng/năm cũng phải chấn chỉnh. Làm quản trị, ai cũng muốn dựa trên nền tảng tốt đẹp để phát huy và mở rộng, rồi nghĩ về hướng mới. Nay, chỉ riêng việc xén những đám cỏ cũ rườm rà, tua tủa, nghĩ cũng vất vả cho những người đứng đầu Thủ đô.

Câu chuyện xe xuyên tâm điển hình cho sự trì trệ và người ta có quyền nghĩ tới có nhóm lợi ích. Bởi vì đã xem như chủ trương đúng sao lại chần chừ lâu đến thế? Hẳn phải có điều gì chi phối khiến việc không thể tiến triển? Đã có nhà báo hỏi thẳng trong một cuộc họp báo do UBND Hà Nội tổ chức về việc tốn gần tỷ đồng mua “lốt” xe vào Bến Mỹ Đình (có lượng khách đông bậc nhất Hà Nội). Chắc chắn khoản tiền này nếu có, không thể rơi vào túi hành khách.

Những ngày cuối năm, một số nhà xe tại Bến xe Mỹ Đình “chê” khách. Khác hẳn với những dịp cao điểm nhồi nhét và “chặt chém” hành khách tới nơi, nay, họ viện cớ “mất nồi cơm” để phản bội hành khách - những người nuôi sống họ, để chống lại lệnh chuyển tuyến vận tải của cơ quan chức năng. Hành động này chẳng khác nào bắt hành khách làm con tin để mặc cả chính sách. Có người còn đòi đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Đối thoại gì nữa, gần một thập kỷ trì hoãn rồi, bao nhiêu bài báo mổ xẻ rồi… Nếu làm ăn đàng hoàng, đúng nghĩa kinh doanh, những nhà xe này cần xin lỗi hành khách vì sự bỏ mặc mấy ngày qua. Kinh doanh bao nhiêu năm, nhưng văn hoá phục vụ nhu cầu lớn cao điểm thì “chặt chém”, nhồi nhét nên vẫn chỉ thuộc hạng “nhà xe” chứ chưa thành doanh nghiệp vận tải.

Thủ đô hiện nay, mạng lưới xe buýt kết nối nội đô khá đầy đủ, tới đây thêm tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, buýt nhanh; tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân. Không có lý do gì để cho xe khách các loại chạy xuyên nội đô làm thay chức năng các phương tiện sẵn có. Doanh nghiệp nói chung, vận tải nói riêng kinh doanh cần đồng hành với xã hội, chứ qua rồi thời chụp giật để giàu cho riêng mình. Chỉ có vì lợi ích chung mới được người dân ủng hộ và trường tồn.

MỚI - NÓNG