Kỳ vọng “Táo Giao Thông”

Táo quân luôn được chờ đợi
Táo quân luôn được chờ đợi
TP - 1. Mùng 8 Tết, vỉa hè, góc phố Hà Nội đã xôm tụ, dòng người từ nhiều ngả đường vẫn ùn ùn đổ về Thủ đô. Trong những cuộc trà dư, tửu hậu, dư âm chương trình gặp nhau cuối năm, Táo quân 2013 vẫn râm ran. “Táo Kinh tế” để lại câu cửa miệng cho nhiều người “Một năm kinh tế buồn”.

> Bộ trưởng Thăng 'mắng' Chí Trung mỗi lần quay Táo Quân
> Táo Quân 2013: Xuân Bắc lả lướt, Công Lý nam tính

Năm nay “Táo Giao Thông” có vẻ ít bị “soi” hơn “Táo Kinh tế”, vì những thành quả của một năm đã được ghi nhận khá rõ, khi những con số về TNGT giảm cả 3 tiêu chí (số người chết, bị thương và cả số vụ).

2. Mùng 7 Tết, tôi đến chúc Tết một vị quan chức của Ủy ban ATGT Quốc gia, thấy vị “Táo Giao Thông” mất giọng. Hỏi ra mới biết ông bị cảm lạnh. Mà không chỉ mình ông, một vị “Táo Giao thông” khác cũng đã lăn ra ốm.

Không ốm sao được khi những vị “Táo Giao Thông” lần lượt hết tiễn những vị khách cuối cùng trên chuyến tàu Thống Nhất đêm giao thừa, lại đi khắp các công trình động viên những người thợ không nghỉ Tết, nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình, nhanh được ngày nào hay ngày đó.

3. Mùng 8 Tết, tôi lại ghé nhà vị “Táo Giao Thông” trên, không phải để chúc Tết, mà là phỏng vấn về TNGT đầu năm. Nghe những con số ông vừa nhận được báo cáo, mỗi ngày Tết, khi các gia đình đang sum vầy, thì vẫn có 34 người chết vì TNGT, thật xót xa.

Dù so với Tết năm trước, đã giảm được vài mạng người mỗi ngày. Đau xót nhất, tai nạn chủ yếu vẫn do xe máy, lại chủ yếu chết trên đường làng. Hỏi ông cách nào ngăn chặn, thật khó, bởi không thể có lực lượng nào đủ để giăng khắp các làng quê xử lý.

Cốt yếu vẫn là ý thức tham gia của người dân, cha nhắc con, vợ nhắc chồng mỗi khi ra đường phải tự mình giữ gìn, chấp hành luật lệ giao thông.

4. Năm 2013 được Ủy ban ATGT Quốc gia chọn là năm “Nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ và ý thức người tham gia giao thông”.

Ngay từ đầu năm (giáp Tết), những quan chức của cơ quan này đã gương mẫu đi đầu, khi công bố số điện thoại đường dây nóng tại 63 tỉnh thành của cơ quan chức năng và 13 số điện thoại di động nóng của quan chức.

Một vị “Táo Giao Thông” cho biết, trung bình mỗi ngày ông nhận được 250 thông tin phản ánh qua đường dây nóng là số di động của ông. Cuộc gọi muộn nhất lúc 3 giờ sáng, ông vẫn nghe và xử lý ngay.

Ông bảo: “Vui nhất là khi truyền tin đi, cơ quan chức năng địa phương vào cuộc ngay. Ngay cả khi nhận được thông tin phản ánh tiêu cực của CSGT, lập tức lãnh đạo Cục CSGT cử cán bộ cho người đi kiểm tra ngay”. Chính đường dây nóng đã giúp các “Táo Giao Thông” kịp thời xử lý nhiều vấn đề diễn ra trên đường, từ xe nhồi nhét khách đến việc tắc nghẽn giao thông do trạm thu phí...

Chưa hết, nói như vị “Táo Giao Thông” trên, việc nâng cao trách nhiệm và ý thức người thực thi công vụ, không chỉ dừng lại ở những cán bộ thường xuyên đứng ngoài đường, mà bao hàm cả trách nhiệm của người làm chính sách. Những chính sách đưa ra vừa phải vào cuộc sống, vừa không gây sự hoang mang cho người dân.

Làm được như thế, người dân kỳ vọng một năm không buồn của “Táo Giao Thông”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.