Lại “vào cuộc”

Lại “vào cuộc”
TP - Hôm qua, sau cả tuần báo chí nước ngoài đưa tin một công ty của Đài Loan xuất khẩu thực phẩm chế biến được cho là có sử dụng dầu bẩn, cơ quan chức năng của Việt Nam đã tìm ra công ty nhập hàng vào Việt Nam và xác định những sản phẩm này là gì.

Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) trích lời Phó tổng giám đốc cơ quan Quản lý Thuốc và thực phẩm Đài Loan Chiang Yu-mei nói 14 mặt hàng thực phẩm chế biến có sử dụng dầu tái chế từ các nhà hàng, dầu lọc lại từ váng nước thải và từ mỡ lợn đã được xuất sang 12 nước và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam, Mỹ, Pháp, Australia, New Zealand, Trung Quốc...

Thêm một lần nữa, các nhà chức trách lại “vào cuộc” sau khi báo chí lên tiếng. Năm 2008, vụ bê bối sữa nhiễm melamine của tập đoàn Tam Lộc (Trung Quốc) nổ ra và, “ngay sau đó”, cơ quan chức năng Việt Nam “tìm ra” một loạt các sản phẩm sữa ngoại có chất melamine, hóa chất được pha vào sữa để tăng độ béo những có thể gây ra sỏi thận.

Trở lại vụ dầu bẩn ở Đài Loan, thực ra do các sản phẩm thực phẩm chế biến được nói là đã đi qua nhiều nước, trong đó có cả những quốc gia phát triển cao như Mỹ, Pháp, Australia... nên mới gây ra lo ngại diện rộng. Còn đối với nhiều địa phương ở Trung Quốc, Việt Nam, tái chế dầu thải, dầu ăn đã qua sử dụng chẳng có gì mới, nếu không muốn nói là chuyện cơm bữa và từng được phát hiện.

Nhật báo Southern Metropolis ở Quảng Đông (Trung Quốc) nói tái chế dầu ăn là công việc ăn nên làm ra ở Trung Quốc đại lục. Theo báo này, chỉ riêng thành phố Đông Quản đã tái chế 4.000 tấn dầu cặn/tháng. Mỗi tấn dầu được bán tiếp với giá 651USD. Duy nhất một công ty tuyên bố có giấy phép tái chế dầu ăn.

Còn tại Việt Nam, dầu ăn tái chế cũng không phải là điều mới lạ. Tại TPHCM, hầu như chợ nào cũng có những người bán dầu tái chế. Có thông tin nói rằng những người này mua dầu ăn đã qua sử dụng của các nhà hàng, về tái chế rồi đóng can, đi bán lại tại các chợ, bán cho quán cơm, các quầy đồ chiên cho trẻ em cạnh các trường học với giá rất rẻ, chỉ hơn chục ngàn/lít.

Sự thông đồng của người tái chế dầu với các chủ quán ăn hám lợi là điều rất dễ hiểu, cộng thêm yếu tố dễ dãi của thực khách khiến thị trường mua bán dầu tái chế có nhiều đất sống.

Kiểm soát dầu “bẩn”, dầu tù mù nguồn gốc được sử dụng trực tiếp trong chế biến thức ăn tại chỗ vẫn còn loay hoay, thì việc kiểm soát dầu “bẩn” gián tiếp qua các mặt hàng thực phẩm chế biến nhập khẩu, khó lắm thay!.

MỚI - NÓNG