Làm gì đi chứ!

Làm gì đi chứ!
TP - Vụ 9 học sinh lớp 6 của trường THCS xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi tử vong tức tưởi sau vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên sông Trà Khúc ngày 15/4 khiến cả xã hội bàng hoàng, đau xót.  Ngày 16/4, cũng tại địa phương này 2 cháu nhỏ 2 tuổi và 4 tuổi lại tử vong tại hố nước đang thi công công trình và một học sinh lớp 12 bị chết đuối khi tắm suối.

12 cái chết quá trẻ trong 2 ngày, day dứt, ám ảnh dư luận, nhất là những người làm cha làm mẹ. Bần thần, khắc khoải với nỗi đau tột cùng khi “ Lá vàng còn ở trên cây/ Lá xanh rụng xuống, trời ơi, hỡi trời”. Đấng cao xanh có nghe thấu? Trong sự dằn vặt tiếc thương đó, chúng ta, những người lớn đã làm gì, hành động thế nào để những tiếng than xé ruột đó không phải từng ngày cứ nối tiếp vang lên…

Những cái chết oan ức đó được thống kê và cảnh báo trước.

Một lãnh đạo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em dăm năm trước đưa ra con số gai người: Mỗi ngày trung bình trên toàn quốc có mười trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ đuối nước của trẻ em Việt Nam cao nhất trong khu vực và gấp mười lần các nước phát triển.

Đại diện tổ chức UNICEF cung cấp con số toàn cầu nhận định đuối nước là hiểm họa thứ 2 đối với trẻ em  sau tai nạn giao thông. Đuối nước: giết chết hơn 175.000 trẻ em mỗi năm. Hàng năm, khoảng 3 triệu trẻ em khác sống sót được sau khi bị đuối nước. Do tổn thương não, ở một số trường hợp sống sót đã gây tác động về kinh tế và sức khỏe cao nhất so với bất kỳ loại thương tích nào…

Chúng ta đã và đang hành động thế nào để bảo vệ con trẻ, tương lai của đất nước?

Từ những con số nhức buốt trên, các cơ quan hữu trách từ Trung ương đến địa phương từng tuyên truyền giáo dục, vận động cùng với việc triển khai nhiều giải pháp để chống đuối nước ở trẻ em. Ngành Giáo dục còn có sáng kiến dạy bơi trong trường học. Và rồi những phong trào, những đợt ra quân, cao điểm  với mục đích chặn bàn tay thủy thần dần lắng xuống, cho đến khi có thảm họa nó lại được nhắc lại để rồi không ít người nén tiếng thở dài ngao ngán…

Người ta ngoái nhìn lại những chương trình, công trình rêu mốc và thầm hỏi điệp khúc “đầu voi đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi” mà hệ lụy của nó là sinh mạng con trẻ cứ tái diễn đến bao giờ. Cơ hội cho hàng triệu đứa trẻ tiếp cận với những cảnh báo, những phản xạ, những kĩ năng bơi lội để tự cứu, tự sống, tự tồn tại sao mãi cứ vời xa. Những bể bơi được đầu tư hàng tỷ đồng trùm mền, đắp chiếu. Những giáo án, giáo trình, giáo khoa hướng dẫn đang ở đâu dưới lớp bụi mờ thư viện?

Lại điệp khúc giật mình, day dứt, trong đó có cả sự hối hận ăn năn. Nhưng chỉ thế thôi, thì từng ngày vẫn có mười đứa trẻ ra đi mãi mãi trong tức tưởi ấm ức. Phải làm gì đi chứ để cứu con trẻ khỏi hiểm họa? Câu hỏi thôi thúc và cấp bách ấy sao chúng ta cứ mãi trễ tràng…

MỚI - NÓNG