Làm khó dân

Làm khó dân
TP - Đang có hai quy định tác động đến đông đảo người dân, thuộc hai lĩnh vực rất khác nhau, nhưng lại có cùng một điểm chung: Xuất hiện nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, hay nói cách khác khó đi vào cuộc sống!

Đó là quy định thu phí đường bộ xe máy chỉ có mức tối đa (không có mức tối thiểu) trong Thông tư 133 của Bộ Tài chính và cấm thi tuyển vào lớp 6 của Bộ GD&ĐT.

Tuần qua, ĐBQH, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã có cuộc tranh luận thẳng thắn với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ngay trước ống kính của báo chí bên hành lang Quốc hội. Cuộc tranh luận đã vỡ ra một điều quan trọng - không quy định mức thu tối thiểu đối với xe máy trong phần Phụ lục của Thông tư 133 ban hành ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính (mà chắc rằng trước đó nhiều người không biết, kể cả vị Chủ tịch HĐND TPHCM). Như vậy căn cứ vào quy định pháp luật, cả Bộ trưởng Thăng và ĐBQH Tâm đều rất có lý nếu áp dụng mức thu phí 0 đồng đối với xe máy ở TPHCM.

Thế nhưng sẽ có nhiều bất cập nảy sinh nếu TPHCM quyết định thu phí xe máy bằng 0 đồng. Phát sinh bộ máy và chi phí để cấp biên lai thu phí mức 0 đồng cho hơn 4 triệu xe máy của người dân TPHCM, bởi về luật pháp thu phí mức 0 đồng hoàn toàn khác với việc không thu phí. Đại biểu HĐND TPHCM Lâm Thiếu Quân phát biểu trên VnExpress, “nói như Bộ trưởng Thăng, HĐND TPHCM có quyền thu phí đường bộ xe máy mức 0 đồng, là Trung ương đang đẩy khó cho địa phương; tạo ra bất công vì nơi thu, nơi không. Tốt nhất là nên bỏ loại phí này”.

Cũng trong tuần qua, PGS Văn Như Cương công bố kết quả xét tuyển vào lớp 6 trường Lương Thế Vinh: 700 hồ sơ đạt điểm tuyệt đối 100/100, hàng trăm hồ sơ khác đạt 99/100 điểm, trong khi chỉ tiêu tuyển vào lớp 6 của trường này chỉ có 600. Học sinh giỏi (trên học bạ) với toàn điểm 9, 10 suốt 5 năm học tiểu học giờ nhiều lắm. Quả là quá khó cho ông Văn Như Cương! Ngôi trường chuyên danh giá Hà Nội - Amsterdam mọi năm đều phải thi tuyển cam go, qua vòng sơ tuyển vẫn còn 4.000 lấy 200, năm nay cũng đang xét tuyển qua… hồ sơ. Báo chí phản ánh, một cuộc chạy đua sưu tập đủ các loại thành tích, từ văn hóa cho đến văn nghệ, thể thao đã diễn ra rất sôi động ở Hà Nội. Phụ huynh thì ngổn ngang tâm trạng, kẻ mừng người lo. Dường như với quy định cấm thi tuyển mới này, độ nóng của cuộc chạy đua vào lớp 6 các trường chất lượng cao ở Hà Nội không hề mất đi, không hề thuyên giảm, chỉ chuyển từ học sinh sang phụ huynh mà thôi. Như vậy, thử hỏi mục tiêu của việc cấm thi vào lớp 6 của Bộ GD&ĐT liệu có đạt được? Hay lại làm dấy lên một cuộc chạy đua thành tích mới trong giáo dục? Trong khi đó, tại TPHCM trường chuyên Trần Đại Nghĩa nổi tiếng vẫn tiến hành “khảo sát” năng lực qua bài thi tiếng Anh. Như vậy, cùng một quy định của Bộ, hai thành phố lớn nhất cả nước lại có hai cách làm rất khác nhau!

Chắc chắn những gì bất cập đang diễn ra đối với hai quy định, một về thu phí đường bộ xe máy, một về cấm thi vào lớp 6, tuy ở hai lĩnh vực rất khác nhau nhưng lại liên quan mật thiết đến người dân, sẽ buộc những người soạn thảo và ban hành chính sách phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.