Lạm quyền

TP - Một ông bí thư huyện ủy liên quan vụ ô tô tông chết ba người dân, trong đó có một em nhỏ, sau khi dự đám giỗ về; một nhóm người nghênh ngang phóng ô tô vào đường ngược chiều, đụng xe khác còn hung hăng rút thẻ ngành ra dọa nạt rồi tấn công người gây thương tích. Và còn nhiều vụ việc bất chấp luật pháp có liên quan quan chức, của người thuộc cơ quan công quyền.

Việc ông bí thư huyện ủy ở Cao Bằng bị nghi có dấu hiệu uống rượu bia rồi cầm lái, không kiểm soát được tốc độ, chuyện những người rút thẻ tự xưng là quan chức kiểm lâm ở Gia Lai là ai, chắc không khó để cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.

Nhưng vấn đề nổi lên qua những vụ việc này là một bộ phận không nhỏ quan chức, nhân viên công quyền đã và đang tỏ ra lạm dụng quyền lực. Điều đáng ngại là ở chỗ, không phải quan chức nào cũng  thuộc dạng “sẵn sàng ngồi trên pháp luật”, nhưng chỉ vài ông bí thư, vài sếp công an, vài ông kiểm lâm rút thẻ ngành thì hình ảnh quan chức nói chung đã bị ảnh hưởng. 

Trong khi đó, đã có nhiều tiếng nói, nhiều ý kiến về chuyện niềm tin của người dân đối với quan chức, với hệ thống công quyền sụt giảm. Người dân choáng váng  trước những biệt thự xa hoa chỉ nhìn qua cũng biết đáng giá hàng trăm tỷ đồng của một quan chức về hưu hay của một cựu sếp công an...

Những quan chức hay nhân viên công quyền cấp thấp hơn, “gần” dân hơn như CSGT, kiểm lâm, cán bộ phường, xã, hay thanh tra giao thông… lại có cách lạm quyền kiểu khác. 

Tuy nhiên, tất cả đều không qua được tai mắt người dân. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, của mạng internet, của thiết bị truyền thông tin nhỏ gọn, hiện đại, những hành vi lạm quyền của một bộ phận nhỏ quan chức ngày càng dễ  dàng “phát lộ”.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG