Làm sao dẹp chất cấm?

Làm sao dẹp chất cấm?
TP - Nếu hỏi người dân ba vấn đề đáng quan tâm nhất và cũng đáng ngại nhất của xã hội ta hiện nay, chắc hẳn kết quả số đông sẽ là tham nhũng, nạn con ông cháu cha và an toàn thực phẩm. 

Đây cũng là những quan tâm hàng đầu của chính phủ đương nhiệm. Riêng về vấn đề an toàn thực phẩm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tỏ rõ sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ khi liên tiếp có những hoạt động, chỉ đạo.

Nhưng trong khi câu chuyện nước mắm và thạch tín chưa dịu bớt, người ta lại phát hiện chất cấm có thể gây hại nghiêm trọng sức khỏe của con người trong thịt lợn, thứ thực phẩm phổ biến hàng đầu ở Việt Nam. Sau Salbutamol, nay lại xuất hiện chất Cysteamine, đều có khả năng kích thích tăng trưởng của vật nuôi và đồng thời gây hại sức khỏe con người. Các chuyên gia trong nước nói chất Cysteamine không được phép sử dụng trong chăm nuôi nhưng cũng chưa bị cấm. Rất có thể trong thời gian tới, Cysteamine sẽ bị đưa vào danh mục các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Nhưng cái gốc của vấn đề chưa được giải quyết, cho dù Cysteamine bị cấm sử dụng. Bởi cấm hoạt chất này, lại có thể xuất hiện chất khác. Cấm chất độc A trong chăn nuôi, lại có thể xuất hiện chất độc B trong trồng trọt. Vấn đề gốc rễ, nằm ở hai khía cạnh. Một, các biện pháp chế tài, trừng phạt những người làm ăn bất chính bằng luật pháp. Khía cạnh thứ hai quan trọng hơn, căn cốt hơn chính là phải cải thiện hệ thống sản xuất-phân phối-lưu thông các sản phẩm hàng hóa nói chung và lương thực - thực phẩm nói riêng. Hệ thống này ở nước ta rắc rối và phức tạp, khó kiểm soát, bắt nguồn từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Bất cứ ai, từ một cá nhân nào đó bỏ vốn ra nuôi vài con lợn, đến một bà nông dân trồng hai vạt rau, một vạt nhà ăn, một vạt mang bán, đều có thể dễ dàng tham gia vào chuỗi sản xuất - phân phối-lưu thông lương thực-thực phẩm. Chỉ đơn giản là bán đàn lợn hằng ngày “ăn”chất cấm cho thương lái, hoặc gánh một gánh rau tẩm đầy hóa chất độc hại mà bề ngoài xanh mơn mởn, những người ấy đã “góp phần” làm cho bức tranh an toàn thực phẩm ở nước ta thêm màu xám.

Vấn đề sẽ chỉ được giải quyết khi xã hội chấp nhận hy sinh quyền lợi cục bộ của một vài nhóm người để phụng sự nhu cầu chính đáng của toàn xã hội. Người nông dân có thể gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng xã hội đang yêu cầu sự thay đổi trong cung cách sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa, lương thực-thực phẩm. Nền sản xuất đơn lẻ, manh mún phải nhường chỗ cho sự liên kết nông dân, doanh nghiệp, sự liên kết giữa sản phẩm và thương hiệu cùng hệ thống đảm bảo chất lượng, hệ thống phân phối hiện đại. Chỉ khi ấy, gốc rễ của vấn đề an toàn thực phẩm ở nước ta mới có thể được giải quyết rốt ráo.

MỚI - NÓNG