Làm thể thao kiểu Việt

TP - Nuôi đội bóng bằng... cá tra, thuê chuyên gia nước ngoài cho đội tuyển... không dự Asiad, đưa VĐV ra nước ngoài tập huấn nhưng không chuẩn bị kỹ khiến kế hoạch phá sản...là những cách làm thể thao “chuyên nghiệp”, “không đụng hàng” của thể thao Việt Nam.

Người dân Việt Nam đồng tình và mừng trước việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định rút lui không đăng cai tổ chức Asiad 2019 chưa kéo dài được bao lâu thì những thông tin đáng lo về quá trình chuẩn bị tham dự Asiad 2014 vào cuối năm của TTVN lại dồn về. 


Trong thời buổi khó khăn kinh tế, sự đầu tư của nhà nước cho ngành TDTT chuẩn bị cho Asiad 2014 bị cắt giảm đáng kể so với nhu cầu. Tuy nhiên, có vẻ như khoản kinh phí ít ỏi đó cũng không được sử dụng khôn khéo, đúng chỗ, đúng việc. 

Sự cố kình ngư Hoàng Quý Phước phải bỏ dở chuyến tập huấn ở Mỹ tiêu tốn hàng trăm nghìn đô la khi chuẩn bị cho Olympics London 2012 dường như chẳng mang lại bài học nào. Tới lượt đội điền kinh tiếp sức 4x400m phải thay đổi địa điểm tập luyện giữa chừng trong chuyến tập huấn tại Mỹ tốn khoảng 3 tỷ đồng do địa điểm ban đầu không phù hợp. 

Ở môn bắn cung, những đơn kiện nặc danh được gửi đi khắp nơi “tố” những khuất tất trong việc thuê chuyên gia ngoại và đưa đội tuyển đi tập huấn ở Hàn Quốc, nhưng đội hình dự Asiad lại là những gương mặt khác và chỉ được tập huấn trong nước cùng HLV nội.

Ở môn thể thao vua, theo tiết lộ của ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch HĐND tỉnh An Giang đồng thời là Phó CT CLB bóng đá Hùng Vương An Giang, để nuôi đội bóng dự V-League, An Giang đã phải ưu đãi cho doanh nghiệp 30ha đất để nuôi cá tra, sau đó trích lại 1000đồng/kg cá để góp phần nuôi đội bóng. Ấy vậy mà khoản tiền tỉnh phải bỏ ra cho đội này vẫn lên tới 20 tỷ đồng, bằng ngân sách dành cho một huyện trong một năm. 

Với những cách làm thể thao như vậy, hèn gì điệp khúc học hỏi, rút kinh nghiệm luôn được lặp lại sau mỗi giải đấu lớn các đoàn, đội tuyển thể thao Việt Nam tham dự trở về.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.