Lãng phí & tội ác

Lãng phí & tội ác
TP - Trong phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2015 diễn ra ngày 29/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói đến thực trạng lãng phí. 

Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta còn lãng phí lớn lắm, đầu tư kém hiệu quả chỗ nào cũng có. Nơi thì thiếu phòng học, nơi phòng học không có học trò. Chợ thì không có người vào... Tiền thuế của dân phải sử dụng hiệu quả, quản lý đầu tư công cho tốt”.

Thực tế mà Thủ tướng nêu nếu được soi chiếu vào thực tế cuộc sống thì vấn nạn lãng phí xuất hiện mọi lúc mọi nơi mọi lĩnh vực. Nhiều nhà hoạch định kinh tế tỏ ra bức xúc và sốt ruột khi xã, huyện, tỉnh, ngành đệ trình cơ man nào là công trình, khu công nghiệp, sân bay, cảng biển… để rồi công năng của nó chủ yếu chăn thả bò và bỏ hoang…

Nhiều tỉnh, ngành đua nhau vung tay xin đầu tư chạy theo phong trào hoành tráng để không bị “thua em kém chị”. Những hội trường, sân vận động, cung thể thao, dự án này nọ hàng trăm tỷ đồng để rồi xuân thu nhị kì tụ tập nhìn nhau vài lần và cấp tiếp vốn ngân sách duy tu bảo dưỡng. Lãnh đạo địa phương không ít nơi đang tồn tại tâm lí cứ xin vốn trung ương về càng nhiều càng tốt. Miếng bánh ngân sách mạnh ai nấy giành để rồi cuối năm giải ngân, khối lượng không có, các chuyên gia làm đẹp hồ sơ vội vã, cuống cuồng chế, vẽ những dự án trên giấy để hợp thức…

Đó là chưa kể đến quan niệm các gói vốn vay là của trời cho, nhà nước lo chứ đâu bắt địa phương lo mà ngại…xài hoang. Thế mới có chuyện, đường vừa làm xong lại có nguồn vay làm đường chồng lên tiếp. Chợ mới khánh thành, tranh thủ được nguồn thì đập bỏ làm chợ khác oai hơn. Dự án điện năng lượng mặt trời cả chục triệu đô, sắp triển khai, tiếc của giời, có nguồn vay lại vẽ ra dự án chồng lên thêm một dự án điện lưới…

Thực trạng dự án chồng lên dự án là chuyện không hiếm. Câu kẻ ăn không hết người lần chẳng ra phơi lộ sự lãng phí lớn trong việc bố trí nguồn lực ngân sách và sự bất bình đẳng trong chính sách an sinh xã hội. Có những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo mơ chút ánh sáng đèn dầu, một nhà văn hóa cộng đồng, một nhà mẫu giáo, một lớp học đủ vững qua mùa gió bão…Thăm thẳm trong đợi chờ xếp hàng đến lượt bố trí vốn.

Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Cử tri nhận định phải coi trọng cả chống lãng phí, điều này rất đúng. Nhiều khi lãng phí còn nguy hại hơn cả tham nhũng…
Vấn đề lãng phí hiện đang tồn tại trên diện rộng và thực sự nhức nhối. Hệ lụy và hậu quả mà nó gây ra không thể đo đếm hết. Ấy vậy nhưng, trước những chủ trương, quyết định phê duyệt đầu tư gây thất thoát, lãng phí hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, nhưng việc xử lí, lượng hình tội danh vẫn đang mơ hồ và chưa đủ sức cảnh tỉnh, răn đe.

MỚI - NÓNG