Lập lại trật tự BOT

Lập lại trật tự BOT
TP - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, đánh giá toàn bộ các dự án hạ tầng giao thông đường bộ đã, đang và sẽ triển khai theo hình thức BOT.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tạm dừng việc bố trí mới các trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70km giữa 2 trạm trên cùng một tuyến đường…

 Chỉ đạo của Thủ tướng là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay, các dự án BOT có xu hướng “mọc lên như nấm” trên các con đường độc đạo. Trong số đó, có rất nhiều dự án “mang danh” BOT, nhưng thực chất lại chỉ là nâng cấp, sửa chữa, cải tạo trên những tuyến đường hiện tại mà người dân đã đóng thuế để xây lên. Chúng ta cũng thấy đâu đó thiếu đi sự công khai, minh bạch khi không hề biết các tuyến đường cũ đã được định giá như thế nào khi triển khai các Dự án. Chỉ biết rằng sau khi dự án đã hoàn thành thì đường của chung đã thành đường của riêng, người dân, doanh nghiệp đi lại sẽ phải đóng phí. Đơn cử như Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ chỉ là cải tạo, nâng cấp khoảng 30km, đương nhiên đã trở thành “ông chủ” của tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, và được cơ quan quản lý nhà nước cấp quyền thu phí phương tiện qua lại. Tương tự là Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A sau khi hoàn thành, các doanh nghiệp, chủ đầu tư cũng đã đương nhiên trở thành “ông chủ” của 17 trạm thu phí BOT mới.

Có lẽ cũng vì “mải mê” làm BOT mà dường như các cơ quan quản lý nhà nước đã “quên” đi quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm thu phí phải là 70km mà pháp luật đã đề ra. Điều này dẫn đến thực tế có những tuyến đường mà khoảng cách giữa các trạm thu phí chỉ chưa đầy 30 – 40 km. Cụ thể như tuyến Hà Nội - Thái Bình, chỉ dài 110 km, nhưng hiện đã “mọc” lên đến 3 trạm thu phí, và chuẩn bị “cõng” thêm một trạm thu phí thứ 4 khi tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ chính thức khánh thành.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp thì việc đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức BOT là điều cần phải thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện phải đảm bảo được nguyên tắc hài hoà giữa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Nếu nghiêng quá về doanh nghiệp thì nhà nước và người dân sẽ là những bên bị thua thiệt… Do đó, việc Thủ tướng chỉ đạo làm rõ những vấn đề liên quan đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là điều cấp thiết để kịp thời có giải pháp “bịt” những lỗ hổng nếu có.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...