Lỗ hổng cát, sỏi

TP - Tại cuộc họp ngày 7/3 với hơn 20 bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép đang diễn ra nghiêm trọng từ Bắc vào Nam, làm cạn kiệt tài nguyên, tác động tiêu cực đến đời sống người dân.

Để xảy ra vấn đề nghiêm trọng như cát tặc, nếu xét theo góc độ quản lý Nhà nước lại đang tồn tại lỗ hổng lớn, dễ thấy nhất tình trạng cát cứ của từng địa phương. Cát, sỏi thuộc nhóm vật liệu xây dựng thông thường. Luật Khoáng sản quy định, với nhóm vật liệu này, từ việc lập quy hoạch, cấp phép, thăm dò, khai thác, thanh tra kiểm tra đến xử lý vi phạm đều thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, nghĩa là địa phương “toàn quyền” trong vấn đề khai thác cát, mạnh ai nấy làm. Có thể hình dung, dòng sông là một thể thống nhất chạy qua nhiều tỉnh nhưng mỗi đoạn, việc quản lý khai thác cát sỏi lại khác nhau. Thế mới có chuyện trên cùng một dòng sông, tỉnh này cấm khai thác cát, tỉnh kia vẫn cấp phép khiến cho tỉnh dù có cấm vẫn phải lãnh hậu quả.

Sự kiện chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa vì “tuýt còi’ dự án nạo vét đường thủy có tận thu cát trên sông Cầu làm nóng dư luận những ngày qua. Nhưng có lẽ không nhiều vị chủ tịch sẵn sàng tuýt còi các dự án núp bóng như thế. Khai thác cát mang lại lợi nhuận khổng lồ. Với việc địa phương được giao toàn quyền, không khỏi dấy lên lo lắng về những lãnh địa và những lợi ích nhóm.

Một lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản chỉ ra những bất cập khi phân quyền hết cho địa phương “cát cứ không đáp ứng nhu cầu phát triển chung, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh”. Địa phương nào quản lý chặt thì có thể gây ra sự thiếu hụt với nhu cầu trong khi địa phương “nới lỏng” lại có ưu thế hơn. Nếu không có cơ chế phối hợp liên tỉnh, tỉnh này quyết tâm, tỉnh kia nới lỏng thì khó mà ngăn chặn được khai thác cát trái phép.

Phó tổng cục  trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Lại Hồng Thanh cho rằng, việc khai thác cát hay tận thu cát từ các dự án nạo vét  không chỉ liên quan đến Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh mà còn nhiều bộ, ngành khác như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang soạn thảo một thông tư riêng về khai thác cát sỏi nhằm điều chỉnh trách nhiệm của các bên liên quan. Một chuyên gia chia sẻ, đây được coi như giải pháp tình thế nhưng sâu xa hơn, đã đến lúc phải bàn đến việc sửa Luật Khoáng sản để lấp lỗ hổng quản lý thứ tài nguyên rất phổ biến và thiết yếu trong ngành xây dựng này.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.