Lợi - doanh nghiệp hưởng, lỗ - cả nhà chịu!

Lợi - doanh nghiệp hưởng, lỗ - cả nhà chịu!
TP - Chưa đầy hai chục ngày kể từ hôm tăng giá 500 đồng/lít xăng, bảy doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu lại vừa đồng loạt gửi kiến nghị tới cơ quan chức năng, đề nghị tăng từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/lít xăng ngay trong tuần này.

Lý do, nếu không tăng sẽ lỗ trên 1.000 đồng mỗi lít.

Động đến giá xăng dầu là chạm đến chi tiêu của hàng triệu người, hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Đấy là chưa kể, hàng loạt mặt hàng tiêu dùng khác lấy cớ giá xăng tăng để tăng giá theo, tạo áp lực gia tăng lạm phát.

Vì sao đến giờ này, liên bộ Tài chính - Công Thương vẫn chưa có ý kiến cuối cùng? Quy định đã rõ rằng, tăng hay giảm giá bán phải được xem xét trong 20 ngày kể từ khi giá xăng thế giới tăng (trong khi giá xăng thế giới mới tăng trong khoảng 15 ngày).

Liên bộ chưa trả lời dứt khoát đề xuất tăng giá xăng, phải chăng cơ quan quản lý đang ngập ngừng, e ngại…

Vấn đề khiến dư luận quan tâm bấy lâu là giá xăng tăng nhanh - giảm chậm và việc công khai cách tính giá bán lẻ xăng, dầu. Cách tính giá mà doanh nghiệp đưa ra, khiến người tiêu dùng thấy có gì đó chưa ổn, chưa thuyết phục.

Chúng ta có 11 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu nhưng thực chất, có một giá bán lẻ thống nhất trên toàn quốc. Petrolimex hiện chiếm hơn 60 phần trăm thị phần với 6.000 điểm bán lẻ, có khả năng chi phối rất lớn đến các doanh nghiệp khác.

Có hay không doanh nghiệp này độc quyền? Petrolimex kêu nhiều về phải làm nhiệm vụ chính trị xã hội, vậy phần nào làm nhiệm vụ, phần nào vì lợi nhuận, cần được mổ xẻ.

“Lãi thì doanh nghiệp hưởng, lỗ thì Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng chia sẻ. Nhưng chưa có sự rõ ràng trong cách tính giá bán lẻ nên người dân có quyền nghi vấn”- Ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam, thẳng thắn.

Mà một khi còn nghi ngờ thì việc tăng giá của doanh nghiệp khó có được sự đồng thuận và thông cảm của toàn xã hội. 

MỚI - NÓNG