Lợi, hại chính sách vàng

Lợi, hại chính sách vàng
TP - Hôm qua, NHNN phát đi thông điệp dự kiến 5-3 thử nghiệm đấu thầu vàng với các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại được phép kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, tại các khu phố vàng giao dịch hai chiều mua và bán rất thấp.

> Tiền chênh lệch giá vàng: Vào Ngân hàng Nhà nước
> Bình ổn thị trường vàng

Đặc biệt, khoảng cách giá vàng trong nước so với thế giới từ hơn 2 triệu đồng/lượng vào tuần trước đã lên trên 3 triệu đồng/lượng. Phải chăng người dân đã ổn định tâm lý hơn trước các thông tin nhạy cảm trên thị trường.

Tuy nhiên, một nguồn tin cho hay, việc đấu thầu vàng chỉ thực sự được diễn ra với điều kiện đầu tiên là phải có quyết định chính thức của Thủ tướng. Và ngày hôm qua (4-3), Thủ tướng mới có Quyết định số 16 giao quyền quyết định mua bán vàng miếng cho NHNN.

Trước đó, dù chỉ là dự kiến, thử nghiệm, tuy nhiên với sức mạnh của một cơ quan là đầu mối chính sách, khi phát đi thông tin nào đó có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Chúng ta có quyền hy vọng vào sự thành công của chính sách.

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết những ngày qua nhiều người vì lo lắng đã đi bán tống bán tháo vàng và chịu lỗ hàng trăm triệu đồng. Cuối cùng, người có lợi là người nắm trong tay nhiều tiền mua vàng vào lúc này.

Không chỉ được mua vàng giá rẻ, trước đó một số ngân hàng được NHNN cho phép tạm tái xuất nhập vàng. Gọi là tạm tái xuất nhập, thực ra gọi đúng là nhập khẩu vàng. Một chuyên gia ngân hàng thế giới khẳng định như vậy.

Theo vị chuyên gia này, nếu sản phẩm đó có cùng một mặt hàng khi xuất, nhập đúng mặt hàng đó mới gọi là tạm nhập tái xuất. Chẳng hạn anh nhập chiếc xe X từ Trung Quốc về, anh chờ đó để xuất đi Hàn Quốc mới gọi là tạm nhập tái xuất.

Nhưng chiếc xe ô tô anh nhập về, anh lại sửa sang rồi mới xuất đi Hàn Quốc thì không thể gọi là tạm nhập tái xuất được. Nói đơn giản hơn, anh xuất đi, nhập về phải cùng một loại. Đằng này anh xuất đi một thứ, sau đó anh nhập về thứ khác rồi lại chế biến thành một món khác để bán.

Mặc dù đây cũng đều là vàng nhưng là hai loại vàng khác nhau, giá cũng khác nhau. Anh xuất vàng phi SJC đi, nhập vàng nguyên liệu thế giới về sau đó gia công thành vàng miếng SJC để bán cho dân thì sao gọi là tạm nhập tái xuất. Phải gọi đúng là anh tạm nhập để cung ứng cho thị trường. Và đây là chuyện của nhập khẩu và chế tác.

Chúng ta lấy lý do chuyển đổi vàng phi SJC thành SJC lâu nhưng lâu cũng là điều bình thường. Anh đi đánh một chiếc nhẫn thì anh phải đợi, người dân muốn đổi vàng phi SJC sang SJC thì họ có thể chờ được. Chứ không phải lợi dụng vào việc đó để đánh tráo khái niệm, rồi mua vàng giá thấp, bán vàng giá cao kiếm lời.

Trong cuộc trả lời trực tuyến hôm qua, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, NHNN chưa tiến hành nhập khẩu vàng nguyên liệu. NHNN với tư cách người mua bán cuối cùng trên thị trường chỉ tham gia thị trường khi nào có những biến động và với mục tiêu bình ổn, chứ không vì mục tiêu lợi nhuận.

Trả lời của ông Hưng khó thuyết phục người dân, bởi cách đây không lâu chính lãnh đạo NHNN khẳng định vàng không phải là mặt hàng mà Nhà nước phải bình ổn giá, thì nay lại đặt mục tiêu bình ổn là sao? Còn việc nhập vàng giá thấp, về bán giá cao, dù NHNN không đặt mục tiêu lợi nhuận thì khi đó tiền tỷ vẫn chảy vào túi NHNN.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG