Máu của lính

Học viên Học viện Hậu Cần hiến máu trong chương trình Chủ Nhật Đỏ.
Học viên Học viện Hậu Cần hiến máu trong chương trình Chủ Nhật Đỏ.
TP - “Nước sông công lính” còn máu của lính thì sao? Theo bác sĩ Thu Hương, Trưởng khoa Truyền máu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thì máu của lính có khác đấy.

Chị Hương giải thích: Đủ sức khỏe mới được vào bộ đội nên không có chuyện người đăng ký hiến máu bị loại vì huyết sắc tố thấp; cực ít loại vì siêu gan B. Bộ đội lại được rèn luyện, nuôi dưỡng tốt nên chất lượng máu hoàn toàn yên tâm.

Tôi nói: Bộ đội ăn khổ hơn dân cơ mà? Chị Hương: Không hề. Thức ăn không hết, cơm thì sức đến đâu ăn đến đó. Bạn đến chỗ ở của họ chưa? Chăn đệm đủ, có tủ đầu giường nhé. Thiếu tướng Trần Đình Hướng, Phó Giám đốc Học viện Hậu cần đứng cạnh xác nhận thông tin của bác sĩ Hương.

Cho nên, điều mừng đầu tiên của chúng tôi khi lần đầu đặt chân đến một nơi gọi là Học viện Hậu cần đại bản doanh ven sông Hồng: Bộ đội giờ no lắm rồi, đã xa rồi cái thời mà nhà thơ “thần đồng vĩnh viễn” Trần Đăng Khoa “vào bộ đội chỉ để được ăn vã cơm” (do ở nhà đói quá), nhưng chủ yếu chỉ có cơm.

Trong buổi sáng Chủ nhật 24/1, rất nhiều con số đọng lại: “Bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia như 108 riêng năm ngoái phẫu thuật 27 nghìn ca trong đó ba phần tư ca đặc biệt, tốn lượng máu lớn cho cán bộ cao cấp, chiến sĩ và nhân dân. Những giọt máu đào của chiến sĩ không chỉ cứu chữa đồng đội mà cả đồng bào. Năm ngoái bệnh viện cần gần nửa triệu ml máu. Thường mỗi lần lấy máu được 200 đến 300 đơn vị, dùng hai tuần. Tết cần nhiều hơn” (Thông tin của Giám đốc Bệnh viện).

Vẫn nghe nói “quân lệnh như sơn”, cấp trên đã chỉ thị thì lính chấp hành nghiêm. Nhưng những chiến sĩ mà tôi gặp ở Chủ nhật Đỏ gần như đều hiến máu không chỉ một lần. Hỏi “Cậy không sợ máu nên hiến lấy hiến để?”, một chiến sĩ công an hiến ở ĐH Bách khoa nửa đùa nửa thật “Công an không có gì ngoài máu nên phải hiến thôi”. Còn anh bộ đội có cái tên hay Phước Tâm ở Học viện Hậu cần nói: “Mình khỏe quá thì san bớt cho người yếu”.

Những con người như vậy, liệu có thể nói “không có gì ngoài máu?” Ngoài thể chất, có lẽ họ còn tráng kiện tinh thần.

Con số 2 vạn đơn vị máu mà Ban tổ chức kỳ vọng, cuối cùng đã đạt dù 4 ngày nữa Chủ nhật Đỏ mới kết thúc. Hôm qua, 7 tỉnh đồng loạt hiến máu, trong đó có tỉnh hiến nhiều đợt, nhiều điểm. Góp phần vào con số ấn tượng 2 vạn là một đơn vị bộ đội lần đầu tham gia Chủ nhật Đỏ. Lần đầu tiên “máu của lính” không còn hiến âm thầm như trước mà đã trở thành sự kiện của chính họ, nên mới có lời họ hẹn “năm sau lại tiếp tục nhé”.

Buổi sáng 24/1 trong cái lạnh căm căm, chúng tôi “phải” nghe rất nhiều lời cám ơn từ lãnh đạo Học viện Hậu cần, Bệnh viện 108... Họ gọi sự góp mặt của mình trong Chủ nhật Đỏ lịch sử 8 năm là “vinh hạnh”. Tự đáy lòng mình, chúng tôi nghĩ ngược lại, thật vinh hạnh khi được thay mặt bệnh nhân nhận giọt máu của lính, cho nên, xin được nói: Cảm ơn.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.