Mệnh lệnh thị trường

Mệnh lệnh thị trường
TP - Kết thúc năm 2016, ngành nông nghiệp dù giữa bộn bề thiên tai vẫn cán đích với một con số kỷ lục về xuất khẩu từ trước đến nay, đạt 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD (khoảng 5,4%) so cùng kỳ năm ngoái.

Trong nhóm “câu lạc bộ 1 tỷ USD” trở lên có cà phê, điều, thuỷ sản...trong đó một “ngôi sao đang lên” là hàng rau quả và một “nốt trầm lặng lẽ” với mặt hàng gạo. Một cuộc đổi ngôi khá bất ngờ, khi năm ngoái, xuất khẩu gạo đạt 2,4 tỷ USD, rau quả chưa đến 2 tỷ USD, còn năm nay, ở chiều hướng gần như ngược lại.

Tuy nhiên, thất thế của ngành gạo vốn lâu nay chúng ta tự hào “xuất khẩu nhất nhì thế giới” không quá khó hiểu, vì sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng không cao và gần 30 năm xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu gạo. Cũng vì thế, nhiều người đặt câu hỏi về việc giữ 3,8 triệu ha đất lúa để làm gì, trong khi đời sống nông dân trồng lúa vẫn nghèo?

Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013, lúc chúng ta đặt vấn đề an ninh lương thực, nên cần giữ 3,8 triệu ha đất lúa. Thời điểm đó, chúng ta giữ là đúng, vì các khu công nghiệp mọc lên như nấm, nhưng có rất nhiều khu bỏ hoang, nên lo ngại “ăn” lấn đất lúa.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đang đứng trước thách thức về biến đổi khí hậu, khi nguồn nước giảm đi, và hiện chúng ta phụ thuộc 65% nguồn nước từ bên ngoài. Mỗi năm cả nước cần 85 tỷ m3 nước cho sản xuất, thì 80% trong số đó cho nông nghiệp, và trong nông nghiệp thì tới 80% nước dành cho lúa. Vậy nên, ưu tiên giảm đất lúa là đương nhiên!

Chưa kể, mỗi năm, thế giới giao dịch chỉ khoảng 35 triệu tấn gạo, khoảng 12 tỷ USD. Tuy nhiên, nhu cầu ăn gạo của thế giới ngày càng thay đổi, xu hướng giảm dần, nên chúng ta buộc tiết kiệm nước cho sản xuất giá trị cao hơn. Theo ông Cường, qua cân đối, Việt Nam chỉ cần khoảng 3 triệu ha đất lúa, bằng các biện pháp canh tác hợp lý sẽ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, đảm bảo dinh dưỡng trong vòng 30 năm tới.

Do vậy, sẽ cần chuyển 600-800 nghìn ha đất lúa sang cây ăn quả, thủy sản…Tuy nhiên, vẫn giữ quy hoạch là đất nông nghiệp, chỉ thay đổi cơ cấu cây, con cho phù hợp mà thôi. Đồng ý với việc giảm đất lúa từ 3,8 triệu ha còn 3 triệu ha, Thủ tướng nhấn mạnh, lãng phí đất đai của chúng ta còn rất ghê gớm.

Cũng nhìn vào thực tế rằng, hiện cả nước có 13,8 triệu hộ nông dân, với 78 triệu miếng ruộng, nên rất khó để xuất hàng hóa lớn. Do vậy, chỉ có tháo gỡ về đất đai, tổ chức chuỗi liên kết doanh nghiệp với nông dân, HTX bài bản mới thoát cảnh “xôi đỗ” trên những cánh đồng.

Nói như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cái gì thị trường cần thì sản xuất cái đó. Hơn nữa, tính toán cuối cùng mà giá trị mang lại, thu nhập, cuộc sống của nông dân có được nâng cao không. Chúng ta không chạy đua về sản lượng, số lượng, hay ham  muốn xuất khẩu nhất nhì thế giới để làm gì cả.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.