Méo mó thị trường

TP - Chuyện ông bộ trưởng nông nghiệp phải đứng ra kêu gọi các doanh nghiệp giảm giá thức ăn chăn nuôi nhằm giải cứu ngành chăn nuôi trong nước cho thấy sự luẩn quẩn và bế tắc của ngành sản xuất nông nghiệp nước ta.

Trong nền kinh tế thị trường, không thể trông chờ vào doanh nghiệp để “cứu” ai đó, bởi điều đó “phi thị trường”. Nhưng không cầu cứu doanh nghiệp thì còn biết phải làm gì với 30 triệu con lợn, với một tỷ lệ không nhỏ là lợn nuôi quá lứa?

Cái khó trong công tác quản lý nông nghiệp ở nước ta là ruộng đất đã giao về tay nông dân, họ tự chủ trên mảnh ruộng, trong trang trại chăn nuôi của họ. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lên tới con số hàng triệu. Không thể dự báo, làm công tác thị trường, định hướng sản xuất hiệu quả với cung cách chăn nuôi nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm như thế.

Nói ông bộ trưởng phải cầu cứu doanh nghiệp nghe có vẻ như ngành nông nghiệp đang bất lực, nhưng cung cách sản xuất nông nghiệp ở nước ta đang khiến sự bất lực đó là lẽ tất nhiên. Khi người nông dân bán được lợn, tất nhiên không ai kêu ca gì.

Nhưng khi lợn ế sưng ế xỉa trong chuồng, nông dân kêu khóc thì Bộ NN&PTNT không thể ngồi yên, cho dù giải bài toán dư thừa thịt lợn lúc này không hề dễ dàng. Cung cách nuôi trồng nhỏ lẻ của nông dân khiến họ bị động đầu ra và hoàn toàn phụ thuộc vào đầu nậu, thương lái.

Theo lẽ tự nhiên, nhóm đối tượng này luôn muốn mua vào với giá thấp nhất và bán ra với giá cao nhất. Lợn ế không làm họ quan tâm, thậm chí đây là cơ hội làm giàu bởi giá thu mua xuống rất thấp trong khi đầu nậu hoàn toàn chủ động đầu ra, kể cả giá cả.

Người tiêu dùng hoàn toàn không được hưởng lợi từ việc thịt lợn ế, bởi sự kiểm soát hoàn toàn của thương lái đối với các phản thịt trong chợ truyền thống.

Vấn đề ở đây là câu chuyện này cứ lặp đi lặp lại và để rồi một ngày kia bộ trưởng nông nghiệp lại phải cầu cứu doanh nghiệp. Trong câu chuyện lợn ế lần này, chúng ta thấy rõ ràng sự lũng đoạn của tầng nấc trung gian và cơ quan chức năng đã không có biện pháp gì đáng kể để cải thiện.

Đây có lẽ là mấu chốt của vấn đề. Và do vậy, để giúp các hộ chăn nuôi cá thể, cần phải có những chính sách đột phá vào khâu phân phối, lưu thông, giúp thị trường thịt nói chung và thịt lợn nói riêng vận hành theo đúng cơ chế thị trường, không bị làm cho méo mó chỉ vì các đối tượng đầu nậu như vừa qua.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.