Mĩ tục và hủ tục

Mĩ tục và hủ tục
TP - Tháng giêng là tháng ăn chơi/Tháng hai trồng đậu, trồng khoai trồng cà. Hai câu lục bát ấy trích từ bài ca dao trong văn hóa dân gian Việt Nam nói về đời sống và công việc của người nông dân trong một năm mùa nào thức ấy, hết đậu, cà đến mạ, lúa.

Thế nhưng cũng từ bao năm nay, có nhiều người chỉ nghĩ đến “tháng giêng là tháng ăn chơi/tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè”. Trong sách Việt Nam sử lược, học giả Trần Trọng Kim viết về tính xấu của người Việt: “ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái”… 

Bởi thế mà cái sự hội hè, đình đám với hàng ngàn lễ hội diễn ra khắp cả nước cứ kéo dài lê thê vài tháng liền trong khi thiên hạ chỉ nghỉ vài ngày đầu năm rồi quay lại công việc. Hiện tượng biến tướng, tràn lan lễ hội đã được đề cập nhiều năm nhưng chưa có dấu hiệu “thuyên giảm”, không những thế lại còn ngày càng nở rộ. 

Khoảng 10 năm trước, có chăng chỉ có hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng được người ta nhắc tới nhiều, nay ngoài Đồ Sơn, chúng ta có chọi trâu Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), chọi trâu Kinh Bắc (Bắc Ninh), chọi trâu Phúc Thọ (Hà Nội) và các lễ hội này đều có chung kịch bản máu me, các “ông trâu” đều có chung số phận là bị xả thịt sau trận quyết đấu. Nhìn vào nhiều lễ hội ngày nay, có thể thấy rõ nhiều người đi chơi hội chỉ là để mua vui, đâu cần biết đến gốc tích, ý nghĩa sâu xa của sự kiện. 

Bởi thế tục cướp hoa tre nay thành đám đánh nhau, là dịp để tung đòn thù. Lễ hội xấu xí không những không giảm mà ngày càng được “phục dựng” nhiều còn do sự vụ lợi của những người tổ chức, sự nhẹ dạ và a dua, hiếu kỳ của người xem hội. Thậm chí, đằng sau nhiều lễ hội còn là những toan tính vụ lợi của một số người mang danh nghiên cứu văn hóa thông qua các dự án “khôi phục”, “bảo tồn”.

Một đất nước có hơn 8.000 lễ hội trong một năm đồng nghĩa là đất nước ấy có sự đa dạng trong sinh hoạt văn hóa. Nhưng ở một khía cạnh khác, “chơi nhiều” đồng nghĩa với “làm ít” và hệ quả là năng suất và thu nhập theo đó teo tóp. Thực tế cho thấy, bảo tồn văn hóa không có nghĩa là bảo tồn ào ào, bảo tồn vô tội vạ, thiếu sự gạn lọc.

 Bởi văn hóa và quan niệm sống, nhận thức không phải là bất biến mà có sự thích ứng, biến đổi cùng thời đại. Những gì  là thuần phong, mỹ tục, phù hợp với thế giới hiện đại, thế giới hội nhập thì cần phải gìn giữ. Còn tập tục đã lỗi thời, không phù hợp với một xã hội văn minh, nó trở thành hủ tục thì cần phải kiên quyết dẹp bỏ.

MỚI - NÓNG