Mơ “bao-lộ”

Mơ “bao-lộ”
TP - “Đê bao-đại lộ”, làm đê kiên cố và trên đó là đại lộ, rất có thể được chọn để chữa bệnh kinh niên “chưa mưa đã ngập” cho đô thị lớn nhất VN vốn tự làm khó mình bằng loạt chính sách phát phát triển thiếu tôn trọng thiên nhiên.

Sang năm, 2018, là chẵn 320 xuân đánh dấu danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh mở cõi Nam Bộ, xác lập chủ quyền vùng đất làm nên một TPHCM rộng 20.9600 ha. Sau cuộc xâm lược năm 1859, người Pháp xác định nền đất cao trung bình 19 m so với mặt nước biển. Năm 1929, Sài Gòn có 123.890 người.

Vậy mà, chỉ gần nửa thế kỷ qua thôi, tại nơi từng toàn rừng và kênh rạch sôi sục cao trào chinh phục thiên nhiên với những tăng dân số cơ học chóng mặt, sểnh chỗ nào trũng là lấp, hút nước ngầm vô tội vạ. Nhà và đường sá dày đặc không chỉ cho gần 9 triệu cư dân biến Hòn ngọc Viễn Đông thành một cục bê tông chịu lụt triền miên.

Các giải pháp “đàn hồi”, thuật ngữ phổ dụng chục năm nay khi nhân loại ngấm đòn biến đổi khí hậu, hầu như không còn. Tuyệt đối hoá lý tính dường như khiến tâm trí các thế hệ nhà quy hoạch ít dành chỗ cho mơ ước sống chung với thiên nhiên. Hạ thấp các giá trị nhân văn làm ý tưởng trả lại 1/3 diện tích cho nước và cây xanh bị coi là điên rồ. Yếu tố mang tính quyết định trong các nghiên cứu không chỉ về ngập úng là các hiện tượng rời rạc được quan sát để, từ đó, đưa ra các nghị quyết theo nguyên tắc cơ giới có tính cứng nhắc, bất biến; ai lay chẳng đổi, ai khuyên chẳng dời.

Có cảm giác chúng ta từ lâu chuẩn bị tâm thế áp dụng thần dược đắp đê Hà Lan khi mô hình được nhắc đến trong các cuộc họp, hội thảo nối tiếp nhau như sóng. Người Hà Lan đến Việt Nam và bảo ta đừng bắt chước. Gặp gỡ báo chí ở Hà Nội sáng 2/6, họ lại nhắc chớ noi theo Amsterdam cũng như Jakarta của Indonesia. Họ gửi Bộ Tài nguyên&Môi trường kết quả nghiên cứu từ năm 2014-2019 về sụt lún đất TPHCM và quy thủ phạm chính cho khai thác nước ngầm.

Dự án Rise and Fall được cho là chưa thuyết phục. Bởi thế cũng mong manh hiệu quả kế hoạch làm 103 hồ điều hoà mà một trong những mục tiêu là bổ cập nước mưa xuống các mạch nước ngầm đang bẹp dí. Tình trạng đất tiếp tục lún cộng với tương lai không thể đảo ngược nước biển dâng dẫn đến dự báo cả Nam Bộ sẽ biến mất trong một thế kỷ nữa.

Với viễn cảnh và cận cảnh ấy, giải pháp đê bao có vẻ nhận được nhiều phiếu ủng hộ khi người ta viện thêm thành công đê bao mới đây ở Saint Petersburg của Nga. Cần có cái nhìn toàn diện dù muộn. TPHCM là một trong ba vùng đất thấp ở lưu vực sông Vàm Cỏ và sông Đông Nai. Sẽ lại ném tiền vào miệng hà bá nếu làm “đê bao – đại lộ” cho TPHCM mà không tính đến hai vùng trũng kia là Đồng Tháp Mười và khu vực Gò Công của Tiền Giang với tổng diện tích trên triệu hécta. Nếu không, hãy để đồ án nằm trong giấc mơ và đành chấp nhận các giải pháp ngắn hạn.

MỚI - NÓNG