'Mỏ vàng' nông nghiệp

'Mỏ vàng' nông nghiệp
TP - Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang có xu hướng tăng đầu tư vào nông nghiệp (NN). Đây là một luồng gió mới, cơ hội có một không hai. Nếu nắm bắt được, Việt Nam sẽ trở thành khu vườn hay nhà bếp của thế giới, giống như Trung Quốc trở thành công xưởng toàn cầu.

Còn nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội này, có hai kịch bản có thể sẽ xảy ra. Việt Nam vẫn phát triển lợi thế của mình là NN, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài quy mô lớn tiến vào, phát huy lợi thế về vốn, khoa học - công nghệ, nắm bắt thị trường…, biến các doanh nghiệp trong nước và nông dân thành đơn vị gia công. Xu hướng thứ hai, quốc gia khác như Thái Lan sẽ chớp thời cơ trở thành trọng điểm NN của vùng, của thế giới. Lúc đó, Việt Nam sẽ trở thành bộ phận vệ tinh, hỗ trợ cho họ với lợi ích hạn chế.

Vậy, làm sao không để hình thành một nền NN gia công như đã diễn ra trong nền công nghiệp của chúng ta? Một nền sản xuất mà mọi vật tư, nguyên liệu, mẫu mã, thương hiệu… đều là của “người ta”, chỉ có chút công sức của mình. Cây con giống, thức ăn… đều của “người ta”, phần lớn giá trị gia tăng sẽ không thuộc về nhân dân mình. Do vậy, cái chúng ta cần là đường lối, quyết tâm đúng đắn, để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào NN một cách hiệu quả và vững bền.

Năm năm gần đây, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ) bao giờ cũng dành một phiên để bàn về “tầm nhìn mới trong nông nghiệp”. Tại đó, hàng chục tập đoàn xuyên quốc gia thường xuyên trao đổi, phối hợp với Việt Nam để bàn chiến lược đầu tư vào ngành NN.

Tại sao có xu hướng đó? Báo cáo dài hạn gần đây của các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc (FAO, UNDP…) đều cho thấy, về lâu dài, dân số toàn cầu sẽ tăng, thu nhập thế giới cải thiện, nhu cầu về nông sản tăng, giá nông sản cũng tốt lên.

Mặt khác, sau một thời gian chạy theo kinh tế ảo, nhất là về tài chính, bất động sản, rất nhiều nơi đổ vỡ. Doanh nghiệp quay về nền kinh tế thật, mà cái gốc là kinh tế NN - tạo ra của cải, vật chất. Trong khi đó, nhiều người bắt đầu lo ngại biến đổi khí hậu sẽ gây ra rủi ro, bệnh dịch, phạm vi cung cấp nông sản ngày càng thu hẹp. Vì thế, những nước có lợi thế về NN như Việt Nam trở thành địa bàn mạnh mà nhiều thị trường trân trọng.

Nước ta hiện có hai phong trào lớn (xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu sản xuất NN), nếu làm tốt, sẽ giúp phát triển nền NN hiện đại. Cả hai phong trào đó đều cần vốn lớn, thực lực mạnh về công nghệ, thị trường trong và ngoài nước, cần nâng tầm tổ chức sản xuất và quản lý ở mức cao. Tất cả điều đó, không thể trông cậy vào nguồn nào, ngoài sự đầu tư của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước.

Một số doanh nghiệp nước ta đã đầu tư nghiên cứu, tính toán và đi trước một bước vào đầu tư NN. Nhiều “đại gia” đang tiếp tục đầu tư, khai thác “mỏ vàng” NN. Nếu nông dân Việt đáng tự hào thì đội ngũ doanh nhân của chúng ta rất đáng nể và họ đang đi đúng hướng để đến với nhau.

 TS Đặng Kim Sơn

MỚI - NÓNG