Mối lo

Mối lo
TP - Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cách đây ít ngày cho thấy, dù đạt mức tăng 5,1% nhưng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2017 đang có sự thụt lùi và đạt mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây, nếu so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.

Mức tăng trưởng GDP này cũng chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức tăng của quý I các năm 2012-2014. Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2017 thấp nhất 3 năm gần là do một số nguyên nhân như: khô hạn, xâm nhập mặn của năm 2016 ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như khai khoáng dầu, khí, than đều tăng trưởng âm do chủ động cắt giảm sản lượng khai thác.....Bên cạnh đó, sự suy giảm của công nghiệp, chế biến chế tạo, là một trong những “trọng lực chính” của nền kinh tế sản xuất, cũng là yếu tố khiến tăng trưởng GDP không đạt cao.

Việc GDP đạt mức tăng trưởng thấp trong quý đầu tiên của năm 2017 là điều đáng quan tâm với các nhà điều hành chính sách, nhất là trong năm 2017, năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Cùng với việc GDP đạt không cao so với cùng kỳ năm trước, các chỉ số sức khỏe nền kinh tế được công bố cũng cho thấy còn nhiều vấn đề cần giải quyết với lĩnh vực sản xuất công nghiệp của
Việt Nam.

Số liệu cho thấy, trong quý I/2017, lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm (vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong công nghiệp chế biến, chế tạo) ghi nhận sự sụt giảm mạnh tăng trưởng khi chỉ tăng 4,4% thay vì 8,6% như cùng kỳ năm 2016. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử (giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng khoảng 21% ngành chế biến, chế tạo) suy giảm tăng trưởng 1% mà chủ yếu do sản xuất của Công ty Samsung Việt Nam giảm gần 38%.

Bên cạnh tăng trưởng đạt thấp, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang ngày càng lép vế trong xuất khẩu trong khi các DN FDI đang ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế
Việt Nam…

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017, 9 tháng còn lại của năm nhiệm vụ sẽ rất nặng nề khi GDP phải tăng 7%. Mục tiêu này còn phải đối mặt với nhiều thách thức khi Chính phủ dự kiến tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá một số loại dịch vụ và mặt hàng chiến lược. Những yếu tố này sẽ gây áp lực lên lạm phát, chỉ số giá sản xuất, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức thấp, đồng thời thực hiện  nhiều biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng bền vững, tăng trưởng sản xuất... sẽ là những đầu việc mà Chính phủ sẽ phải thực hiện trong thời gian tới. Cùng đó, Chính phủ cần có giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn đầu tư công cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu... sẽ là những nhiệm vụ nóng giúp đạt được mức tăng trưởng 6,7% mà Quốc hội, Chính phủ đề ra.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.