Nặng gánh

Nặng gánh
TP - Kết quả kiểm tra các dự án nhà ở được điều chỉnh cơ cấu căn hộ theo Thông tư 02 của Bộ Xây dựng cho thấy, chỉ với 19 dự án được cơ quan chức năng chấp thuận cho chuyển đổi, các chủ đầu tư “bỏ túi” thêm tổng cộng 2.770 căn hộ với tổng dân số tăng thêm tại các dự án là 1.400 người.

Cá biệt, có những dự án sau khi được cho phép chuyển đổi diện tích, cơ cấu căn hộ phình thêm gấp đôi.

Nhiều chủ đầu tư không giấu giếm việc cho phép điều chỉnh chia nhỏ căn hộ của Bộ Xây dựng đã giúp giải phóng bớt lượng hàng tồn kho từ các dự án căn hộ có diện tích lớn. Việc tăng số căn hộ đồng nghĩa chủ đầu tư các dự án được phép chuyển đổi có thể thu thêm được một lượng tiền gia tăng không nhỏ. Túi tiền của chủ đầu tư phình to đồng nghĩa áp lực về hạ tầng, giao thông tại xã, phường, quận, nơi có dự án đó cũng gia tăng. Cảnh hàng chục nghìn người chen lấn, dầm mình trong mưa hoặc trong khói bụi nhiều giờ đồng hồ tìm cách thoát khỏi mớ hỗn độn giao thông để về nhà sau mỗi buổi làm việc luôn là cơn ác mộng kinh hoàng với người dân thành phố.

Nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị đã phải kêu trời về việc hạ tầng giao thông đô thị của các thành phố lớn bị phá nát do quy hoạch manh mún cũng như do cả những quyết định thiếu tầm nhìn dài hạn. Việc cho chia nhỏ các căn hộ bị ví như không khác gì việc nhồi thêm cao ốc vào nội đô.

Thực tế cho thấy, Hà Nội, TPHCM và một số thành phố lớn khác mỗi năm phải chi nhiều nghìn tỷ đồng với mục đích cao đẹp: Làm đường, mở rộng giao thông cho người dân đi lại thuận tiện. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, những con đường được coi là “rộng rãi” nhanh chóng trở nên chật hẹp do lượng phương tiện gia tăng, mà nguyên nhân không gì khác chính một phần là từ việc gia tăng cơ học các “căn hộ mini” được hình thành từ những quyết định của các cơ quan quản lý.

Một số chuyên gia cũng ngầm so sánh việc trả giá, thậm chí là đánh đổi hàng nghìn tỷ đồng làm đường ở các địa phương để phục vụ việc “giải cứu”, bán bớt hàng cho một số chủ đầu tư các dự án bất động sản là cái giá quá đắng. Bên cạnh đó, việc thiếu quyết liệt, thậm chí có phần dễ dãi trong việc “giải tỏa” thậm chí xê dịch các khu dân cư ra ngoại ô đang khiến bài toán quy hoạch hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn trở thành bài toán khó giải. Xem ra chỉ chừng nào chúng ta quyết liệt trong việc di dời một số trường đại học, trụ sở bộ ngành và dừng cấp phép xây mới các cao ốc trong nội đô thì may ra mới có lời giải cho bài toán hạ tầng của đô thị hiện nay.

MỚI - NÓNG