Nặng gánh tuổi hưu

Bộ LĐ,TB&XH đang tính toán đưa đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. (Ảnh mang tính minh họa, nguồn Internet)
Bộ LĐ,TB&XH đang tính toán đưa đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. (Ảnh mang tính minh họa, nguồn Internet)
TP - Ba năm sau khi bị bác, thêm một lần nữa Bộ LĐ,TB&XH đang tính toán đưa đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Lao động để lấy ý kiến, trước khi trình Chính phủ vào năm 2017.

Lý do được đưa ra việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm chuẩn bị cho việc ứng phó với dân số bắt đầu chuyển từ “trẻ” sang “già”.

Theo giải thích của Bộ LĐ,TB&XH, đề xuất tăng nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ và tăng từ 60 lên 62 tuổi đối với nam nhằm tận dụng nguồn nhân lực, đảm bảo công ăn việc làm. 

Nhưng sâu xa hơn, việc nâng dần độ tuổi nghỉ hưu và kéo dài thời gian làm việc của cán bộ công chức xuất phát từ việc quỹ bảo hiểm xã hội dự báo sẽ không đảm bảo khả năng chi trả vào năm 2037. Việc kéo dài thời gian lao động, theo tính toán, sẽ giúp duy trì tăng số lượng người đóng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, nếu được thông qua, sẽ có sự xáo trộn không hề nhẹ trong việc bố trí nhân lực, thậm chí sẽ xuất hiện tình trạng chạy chuyển ngành, chuyển nghề để được kéo dài thời gian làm việc ở một bộ phận cán bộ công chức.

Không ít e ngại, việc kéo dài tuổi hưu sẽ chỉ khiến những người có chức vụ lãnh đạo cảm thấy vui mừng. Còn với người lao động bình thường, tuổi tác tăng đồng nghĩa năng suất lao động giảm. 

Sự nhiệt huyết, sức sáng tạo, trừ những trường hợp giỏi thực sự, sẽ suy giảm theo. Với nhà quản lý doanh nghiệp, đây sẽ là gánh nặng mỗi khi muốn có sự thay đổi trong bố trí nhân sự, nâng cao năng suất lao động hoặc thực hiện tái cơ cấu để tinh gọn bộ máy.

Ở khía cạnh khác, việc những lao động tay nghề cao, những “chất xám” thực sự, dù ở bất cứ độ tuổi nào, luôn là tài sản quý của doanh nghiệp. 

Với những nhân lực này, sau khi hoàn thành “nghĩa vụ lao động” họ sẽ dễ dàng được các đơn vị này, tổ chức kia mời làm chuyên gia, cố vấn để tận dụng những kinh nghiệm quý báu trong việc hỗ trợ quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học. 

Còn với những lao động làng nhàng khác, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu với những người làm quản lý, rất cần có những qui định cụ thể. Kéo dài tuổi hưu, đồng nghĩa những người trẻ sẽ phải chờ đợi cơ hội nhiều hơn để được phát triển, được ghi nhận. 

Điệp khúc “tre chưa già, măng đã đòi mọc nhanh” sẽ khó được chấp nhận. Khi đó, với doanh nghiệp, sẽ là lợi bất cập hại.

Câu hỏi “tạo thêm nhiều việc làm bằng cách nào” sẽ không hề dễ với bất cứ nhà quản lý nào.

MỚI - NÓNG