Ngẫm chuyện lao động xứ người

Ngẫm chuyện lao động xứ người
TP - Cô Irma Edloy, 35 tuổi, nữ “osin”người Philippines đã được đưa vào bệnh viện ở thủ đô Riyadh của Ả rập Xê út trong tình trạng bị nhiều chấn thương nghiêm trọng và có dấu hiệu bị hãm hiếp. Vừa đến bệnh viện, cô rơi vào hôn mê.

Nhưng trước khi bất tỉnh, được hỏi ai đã hãm hại cô, Edloy chỉ tay vào ông chủ của mình. Sau 5 ngày trong bệnh viện, cô qua đời.

Chuyện của Edloy, vừa xảy ra và vẫn đang trong vòng điều tra, chỉ là một trong hàng ngàn vụ việc liên quan đến những nữ hầu gái người Philippines ở Trung Đông. Nhiều người trong số họ phải bỏ quê sang đây tha phương cầu thực, tìm việc làm trong các gia đình khá giả nhưng với mức lương rẻ mạt vì số lượng người Philippines sang đây ngày càng đông, mức lương theo đó cũng giảm: trung bình, các nữ osin chỉ kiếm được chưa đến 200 USD/tháng, ngày ngày phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng tình dục, bị đánh đập, hành hạ. Theo một thống kê, ở Kuwaitt có khoảng 70.000 người Philippines sang đây tìm việc làm, trong đó 60.000 là nữ giúp việc nhà.

Câu chuyện xuất khẩu lao động của Philippines bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước. Tổng thống lúc đó là Ferdinand Marcos coi đây là biện pháp giải quyết các khó khăn kinh tế quốc nội. Cho đến nay, hình mẫu xuất khẩu lao động của nước này vẫn được nhiều nơi nghiên cứu, coi là một trường hợp điển hình. Với dân số gần 100 triệu người, ở Philippines, cứ 10 người dân lại có 1 người đi xuất khẩu lao động. Lực lượng này đóng góp tới 1/10 trong tổng GDP hằng năm hơn 350 tỷ USD của Philippines.

Tuy nhiên, đã có nhiều cuộc biểu tình của người dân trong nước đòi thay đổi chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động vì cho rằng chính phủ quá dựa dẫm vào lực lượng này, không tập trung vào các hoạt động kiến tạo công ăn việc làm trong nước. Cơ hội việc làm ít, đồng lương quá rẻ mạt ở trong nước khiến ngày càng có thêm nhiều người Philippines buộc phải tha phương cầu thực. Số ít có bằng cấp được hưởng lương tốt, còn đa số vẫn phải làm các công việc vất vả, thù lao rẻ rúng và dễ bị lạm dụng như giúp việc nhà, bảo mẫu, chăm sóc người già…

“Liệu chúng ta có muốn trở thành cái lò đào tạo người hầu kẻ hạ cho thế giới?”, một thượng nghị sỹ bình luận, nhân việc ông đưa ra kiến nghị xem xét lại chính sách xuất khẩu lao động.

Trông người lại ngẫm đến ta. Trong nhiều năm qua, chúng ta cũng coi xuất khẩu lao động là một lối thoát cho việc thiếu công ăn việc làm trong nước, xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Lao động Việt Nam cũng đóng góp cỡ 1/10 GDP của quốc gia. Và cũng như người láng giềng của chúng ta, lao động Việt cũng phải đương đầu với đủ loại cơ cực, khó khăn khi ra nước ngoài. Bị lừa đảo, rơi vào tay bọn buôn người, bị hành hạ, đánh đập, thậm chí rơi vào tay cướp biển… Miếng ăn tha phương chẳng bao giờ là dễ dàng, thậm chí đầy cay đắng.

“Ta về ta tắm ao ta” trong trường hợp này không phải là một tư duy tiêu cực. Những câu chuyện xung quanh ta thời gian qua cho thấy, cho dù thế giới hội nhập, đa phương, muốn vững mạnh thì vẫn phải xây dựng cho mình khả năng tự lực, tự cường. Làm giàu trên chính quê hương mình bao giờ cũng là bền vững nhất.

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...