Nghị trường đầy ắp tiếng dân

TP - Không khí nghị trường trong hai ngày chất vấn vừa qua đầy ắp tiếng dân, khi tất cả những vấn đề nổi cộm, bức xúc, gây tranh cãi, được cử tri, dư luận quan tâm đều được đưa ra “mổ xẻ” nhằm làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Đó là những vấn đề quốc kế dân sinh, những chủ trương chính sách vĩ mô, hoạch định tương lai như, việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đổi mới trong công tác giáo dục, thi cử… Rồi đến những vụ việc, vụ án cụ thể như: vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; việc xử lý cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; thực trạng bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ; các đại dự án gây lãng phí, thủy điện xả lũ, dự án thép Cà Ná…

Đó còn là những vụ việc tưởng chừng như rất nhỏ, trong phạm vi địa phương nhưng lại được đưa ra để làm dẫn chứng cho sự lạm quyền của đội ngũ “công bộc” mà các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp chấn chỉnh. Ví như việc điều động các cô giáo đi tiếp khách xảy ra ở Hà Tĩnh; việc cán bộ dùng vũ lực, thói côn đồ với người dân, tiếp viên hàng không xảy ra ở Hà Nội… 

Hay những dẫn chứng về “mánh khóe” của học sinh trước chính sách thi cử bằng phương pháp trắc nhiệm như: “Ho một tiếng chọn phương án 1, ho 2 tiếng chọn phương án 2” cũng được đại biểu nêu ra, để thấy, cần phải có  những điều chỉnh về phương án thi cử cho phù hợp…

Một điều nữa cũng được cử tri đánh giá cao là sự thẳng thắn, trách nhiệm, không ngại va chạm của các đại biểu khi chất vấn các bộ trưởng. Ví như đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) khi chất vấn về dự án thép Cà Ná đã thẳng thắn đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Công Thương rằng: Có hay không lợi ích nhóm trong bổ sung quy hoạch dự án thép Cà Ná? Hay đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng thẳng thắn đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Công Thương rằng: Có dám cam kết, hứa trước Quốc hội rằng sẽ từ chức nếu dự án thép Cà Ná gây hệ lụy?

Đại biểu Quốc hội là những người đại diện cho tâm tư, nguyện vọng, ý chí của cử tri. Việc các đại biểu nói tiếng nói của cử tri, thẳng thắn đưa những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm vào nghị trường để chất vấn không chỉ là tự thân mong muốn của đại biểu, mà còn là trách nhiệm của họ trước cử tri - những người đã bỏ phiếu bầu họ làm đại biểu Quốc hội.

Quốc hội khóa XIV có đến 2/3 đại biểu là những người mới, ít nhiều còn thiếu kinh nghiệm trong hoạt động nghị trường. Tuy nhiên, qua hai ngày chất vấn đầu tiên cho thấy, với những gì mà các đại biểu đã thể hiện, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, hoạt động của Quốc hội rồi đây sẽ ngày càng được đổi mới, dân chủ, thực chất, hiệu quả, xứng đáng với với sự tin cậy mà cử tri đã giao phó.

MỚI - NÓNG