Ngổn ngang

Ngổn ngang
TP - Nhiều đầu việc khó, cần bước tiến mạnh mẽ hơn, thậm chí quyết tâm cao và cả làm thực hơn nữa... là những kiến nghị được nhiều chuyên gia cả trong và ngoài ngành ngân hàng đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu được Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức cuối tuần qua về những vấn đề “nóng”:

Xóa sở hữu chéo ngành ngân hàng, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu đầu tư công, xóa ưu đãi doanh nghiệp Nhà nước, tăng trưởng của nền kinh tế…

Không phải không có lý khi cả những chuyên gia “trong nhà” cũng phải thốt nên những ý kiến trên khi mọi thứ vẫn còn đang bị đánh giá là khá ngổn ngang với đủ thứ việc. Nhưng câu chuyện nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo và tái cơ cấu nền kinh tế dường như khiến nhiều diễn giả đau đáu hơn cả.

Trong lĩnh vực ngân hàng, những thông tin về việc nợ xấu đã được xử lý mạnh mẽ vẫn để lại nhiều “băn khoăn” khi bản thân đại diện NHNN tại Diễn đàn cũng phải thừa nhận cần nhiều thời gian hơn nữa để xử lý khối “máu đông” này.

Ngay một chuyên gia từng nhiều năm “nằm gai nếm mật” trong ngành ngân hàng, khi chia sẻ với PV Tiền Phong, cũng thừa nhận, không dễ dàng đối mặt với các nhóm lợi ích cũng như xử lý nợ xấu. Mọi thứ sẽ vẫn giằng co, không hiệu quả nếu như các biện pháp đưa ra không đi đến cùng của bản chất vấn đề.

Thậm chí có chuyên gia khẳng định, việc e ngại khi tính toán lại nợ xấu theo chuẩn quốc tế cũng như công bố các thông tin về nợ xấu và sở hữu chéo chỉ làm tăng nguy cơ phát bệnh trầm trọng hơn trong tương lai. GS Trần Thọ Đạt cũng cho rằng, thời gian qua, ngành ngân hàng mới chỉ giải quyết được việc “dọn dẹp” phần lớn nợ xấu về một đầu mối VAMC với vai trò như một “kho” lưu giữ nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trạng thái “giằng co” thông tin được thể hiện rõ khi nhiều chuyên gia kinh tế tiếp tục bày tỏ mối băn khoăn về “hành trình” tái cơ cấu nền kinh tế.

Câu hỏi khó của TS Võ Trí Thành cũng khiến nhiều người suy ngẫm: “Ý chí chính trị, kế hoạch thực hiện đều có cả nhưng việc thực hiện chậm chạp làm suy giảm lòng tin ở cả trong nước và quốc tế. Từ tháng 6 đến giờ, tiếp xúc 20 tập đoàn lớn của thế giới và họ đều hỏi Việt Nam cải cách DNNN có thật không?”.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung không giấu được sự sốt ruột khi kêu gọi “hãy sốt ruột với thời gian, nếu không nền kinh tế sẽ tiếp tục trì trệ. Đừng dồn công việc này cho người sau, nhiệm kỳ sau”. Nhìn vào kết quả khá khiêm tốn của quá trình tái cơ cấu trong thời gian qua, không ít chuyên gia cũng không thể kiềm chế khi khẳng định, hành trình tái cơ cấu đang chập chững dò đường.

Trong khi chuyên gia kinh tế Pham Chi Lan khẳng định, tái cơ cấu phải có sức ép chứ không thể trông chờ sự tự giác. Nói rất nhiều nhưng sau 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, tái cơ cấu vẫn dậm chân tại chỗ. Ngay trong việc quản lý nợ công, sau khi Chính phủ thông báo về việc siết lại đầu tư công, hạn chế đầu tư dàn trải, nhiều dự án đã được thu hẹp lại. Nhưng có vẻ mọi việc đang trở lại như cũ. Sau 4 năm mọi thứ không có chuyển biến như kỳ vọng nếu nhìn vào báo cáo đầu tư ở các địa phương.

Không ít chuyên gia khẳng định việc tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành ngân hàng, xử lý nợ xấu đang giống như một công trình đang xây dở. Đề án xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng được triển khai trên nhiều mảng cắt khúc, riêng lẻ, thiếu tính đồng bộ và cho đến nay chưa giải quyết những cản trở chính. Diễn đàn Kinh tế một lần nữa khép lại với những ưu tư, trăn trở của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế với câu hỏi “chuyến tàu” tái cơ cấu sẽ đang vận hành với vận tốc nào?

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.