Ngọt mặn vị sữa

Ngọt mặn vị sữa
TP - Người Việt chính thức biết đến sữa bò khi quân viễn chinh Pháp vào Việt Nam. Rất nhanh, sữa trở nên thiết yếu cho trẻ nhỏ, người già và cả người lớn. Sữa trở thành sản phẩm béo bở, “ngọt lừ” với các nhà sản xuất.

Trái ngược là vị mặn chát trong cổ họng phụ huynh mỗi lần móc hầu bao mua sữa.

Sữa dành cho trẻ, đắt mấy cũng mua vì tương lai phía trước; sữa cho người già ốm yếu mấy ai so bì vì ơn nghĩa. Tâm lý đó khiến cho người mua sữa ngậm bồ hòn làm ngọt.

Hơn 70% sản phẩm sữa có nguồn gốc ngoại quốc, từ tận tít bên trời Tây, người tiêu dùng khó mà giám sát được giá cả, chất lượng.

Chính vì vậy nên Nhà nước liệt sữa vào loại sản phẩm đặc biệt để quản lý giá, chất lượng. Đáng tiếc, năm nào cũng ồn ào vì giá sữa; biện pháp quản lý nổi theo mùa, dễ bề vô hiệu hóa. Tháng 6 vừa qua, trong phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Điểu Huỳnh Sang hỏi tới hai lần: “Giá sữa vẫn còn cao, các biện pháp trở nên vô hiệu. Trong khi đó các doanh nghiệp đã tìm cách lách được?”. Câu hỏi đó dành cho Bộ trưởng Công Thương.

Mới đây, dư luận phản ánh giá sữa bột ở trời Tây 10 phần giảm đến 7; quá trình đó kéo dài gần 2 năm. Cục trưởng Quản lý giá đăng đàn, Bộ Tài chính ra thông cáo nói cho rõ: Giá sữa chỉ giảm 20% (cơ quan này tính trong vài tháng); doanh nghiệp mua dài hạn không kịp sửa hợp đồng; doanh nghiệp phải chịu lương tăng, bảo hiểm lên, điện đội giá... Các nghiệp vụ cần thiết như thanh tra kê khai, xem doanh nghiệp có chuyển giá, có trốn thuế chỉ là những lời hứa “tiếp tục theo dõi”, “chỉ đạo thường xuyên”. Thử hỏi, những văn bản đó có tác dụng gì?

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận: Thời gian qua hiệu quả quản lý giá với mặt hàng sữa chưa đúng như mong muốn. Để giảm giá sữa, có nhiều giải pháp; trong đó cần tập trung “tăng cường sản xuất trong nước”.

Giải pháp của Bộ trưởng Công Thương được coi mũi tên bắn nhiều đích: Giá sữa có cơ hội hạ nhiệt; nông dân, doanh nghiệp trong nước có việc, thu lợi nhuận; đỡ “chảy” đô la... Nhưng chặng đường đó còn quá gian nan. Muốn cạnh tranh trước hết phải minh bạch, nhưng sự minh bạch khi nào có được? Dư luận, các nhà khoa học suốt 5 năm đề nghị cơ quan chức năng gọi cho đúng tên loại sữa bột pha ra nước, không gọi bằng tên “sữa tiệt trùng” gây nhầm lẫn mà các cơ quan này vẫn lặng thinh.

Trong khi, các doanh nghiệp sữa, cả bột lẫn tươi cạnh tranh, kèn cựa từng li từng tí; chạy đua quảng bá mình nhất, độc đáo không ai bằng; thêm hoa hòe lòe loẹt lôi kéo trẻ con, làm tăng giá sữa. Cánh cửa hội nhập đang mở, nhiều đại gia ngành sữa từ khối TPP (các nước tham gia hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương) sắp ập vào, liệu có thoát cảnh bị đè bẹp trên sân nhà?

Thế mới hay, trong mỗi li sữa ngọt của trẻ nhỏ còn vướng bao toan tính của người lớn?

MỚI - NÓNG