Ngưỡng chịu đựng & ngưỡng ứng xử

Ngưỡng chịu đựng & ngưỡng ứng xử
TP - Cảnh thanh niên quần đùi áo cộc cầm… điếu cày đi lại giữa đám đông tắc nghẽn ở Hà Nội để phân làn đường là minh chứng rõ rệt cho sự quá ngưỡng chịu đựng của người dân về nỗi khổ giao thông.

> Có xử lý 'hiệp sỹ' phân làn bằng điếu cày? 

Và quá ngưỡng trước sự thiếu ý thức của cả những người tham gia giao thông (xem clip phân làn đường bằng... điếu cày).

Dù nhà chức trách đang tìm cách xử lý hành vi “không được khuyến khích” của thanh niên nọ, nhưng đa phần ý kiến phản hồi trên mạng lại ủng hộ.

Cũng như dân tình đang ủng hộ chủ trương xếp cất cây gậy gôn của quan chức ngành giao thông. Thực ra chẳng mấy ai quan tâm rằng các vị quan ấy nghỉ chơi gôn thì có dành tâm trí nghĩ cách tháo gỡ thảm họa giao thông hay không, hay lại chơi trò khác. Mà chỉ vì đã quá ngưỡng chịu đựng về cảnh ra mặt hưởng thụ, ăn trên ngồi trốc của những người mang danh “công bộc” của dân, trong khi hầu hết người lao động đang bạc mặt chạy từng miếng cơm qua ngày.

Chủ trương không tuyển dụng người học tại chức, dân lập vào cơ quan nhà nước tại Đà Nẵng, Nam Định và đang lan ra một số tỉnh thành khác, cho thấy cái ngưỡng báo động về chất lượng đào tạo, nạn thương mại hóa giáo dục, bằng cấp. Và một lần nữa, lại được phần đông dư luận ủng hộ, dù cũng như chủ trương cấm chơi gôn, việc ngăn bằng dân lập liền bị các nhà làm luật “tuýt còi”.

Chuyện lỗ - nợ của EVN cũng đã tới ngưỡng do đổ hàng ngàn tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực của mình. Nên cho dù giá điện quả thực còn “rẻ” so với chi phí sản xuất, thì việc tăng giá điện, cũng như xăng dầu lúc này cũng sẽ khó được người dân chấp nhận, khi ngưỡng niềm tin về sự kinh doanh trung thực đã bị vượt qua. Trong khi hệ thống ngân hàng cũng đã tới ngưỡng, đang gấp rút được sắp xếp lại, thanh lọc. Doanh nghiệp cũng sắp quá ngưỡng chịu đựng vì lãi suất, chi phí sản xuất tăng…

Quá ngưỡng chịu đựng về giao thông, giáo dục, y tế, sản xuất kinh doanh và hàng loạt lĩnh vực khác của đời sống, đã sinh ra sự quá ngưỡng trong ứng xử, quản lý điều hành. Như hành vi tự phát tỏ ra quyết liệt của chàng “hiệp sĩ điếu cày”. Như giải pháp nghiến răng “chịu đau” nói không với bằng tại chức, dân lập, dù vẫn biết nhiều trường dân lập đào tạo rất bài bản, chất lượng, và không ít người học ngoài công lập có thực tài. Cũng như việc cấm quan chức ngành giao thông chơi gôn…

Để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế đang trầm trọng, nhà nước đang bắt tay cải cách toàn diện nền kinh tế, cũng như mọi lĩnh vực xã hội. Trong thời điểm quá độ như thế này, có thể thấy hạt nhân hợp lý của các giải pháp quá ngưỡng mang tính tình thế. Cả khi các quy định đưa ra có phần chênh với luật định.

Tuy nhiên, chấp nhận quá ngưỡng trong ứng xử, điều hành, nhưng cần tỉnh táo, tránh “dồn toa” giật cục, gây sốc. Cũng không buông xuôi, nửa vời, mà phải đặt ra những lộ trình ứng xử, quản lý, điều chỉnh tiếp theo. Nếu không sẽ dẫn tới nguy cơ ai cũng có thể đứng trên luật pháp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG