Nhếch nhác

TP - Sự kiện một gia đình ở Hà Nội rao bán mảnh đất chỉ vẻn vẹn 1,7m2 ở đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy (không phải quận trung tâm) nhưng với giá 1 tỷ đồng đang thu hút sự chú ý bởi cái giá “khủng” mà chủ nhân đưa ra.

Còn chuyện nhà siêu mỏng, siêu méo, những “căn nhà” với hình thù kỳ quái thì đâu có gì mới và đâu chỉ có ở Hà Nội. Tại TPHCM, con đường Phạm Văn Đồng thênh thang mới mở cũng có đủ loại nhà  “dị dạng”, “quái thai” như thế. Một tỷ đồng là con số đủ ấn tượng, ứng với câu “tấc đất, tấc vàng” ở thủ đô Hà Nội.

Nhưng “đất” không tự nhiên thành “vàng”, mà phải qua bàn tay nhào nặn của con người. Có thể có nhiều người đứng ngoài chê bai ông chủ đất nọ là quá đáng, là tham lam, nhưng rõ ràng đưa ra giá là quyền của ông ta. Vấn đề là bao nhiêu năm nay, sự lem nhem của các con đường mới mở do các công trình siêu mỏng, siêu méo dạng như trên vẫn cứ tồn tại, khiến bộ mặt đô thị vốn không được tổ chức tốt, khó lòng trở nên khang trang, quy củ cho dù cầu đã thông, đường đã thoáng. Mặc dù đã có quy định không để tồn tại, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đô thị cho những khoảnh đất diện tích quá nhỏ, nhưng cơ chế giải quyết không đồng bộ và chưa hợp lý đã dẫn đến tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, những con đường nhếch nhác vì quy hoạch đường và phố “chẳng chịu liên quan đến nhau”.

Bởi ngay từ khi quy hoạch đường, lên phương án đền bù giải tỏa, người ta đã có thể tính ra phần đầu thừa đuôi thẹo còn lại, mảnh đất nào đủ điều kiện tồn tại, nơi nào nên giải tỏa trắng. Nhưng sự bất  hợp lý trong đầu tư xây dựng đường và tuyến phố đã khiến những phần đất “quái thai” cứ thế tồn tại.  Khi giải tỏa, đền bù, nếu nhà đầu tư hay chính quyền quan tâm đến cảnh quan sau này, có tầm nhìn xa hơn thì đã tránh được tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Khi giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư hay chính quyền tiết kiệm được một khoản đầu tư ban đầu nhưng bộ mặt đô thị không được cải thiện và nếu phải chỉnh trang, cải tạo thì chắc chắn số tiền tiết kiệm ban đầu không đủ để bù vào. Không phải ai cũng có đủ tiền mua lại mảnh đất “chó giãy chết” với giá một tỷ đồng, không phải cứ để xảy ra chuyện rồi thu hồi và cho mọc lên một bảng tin hay một trạm xe buýt để  lấp vào là xong. Rõ ràng, câu chuyện bức tường một tỷ ở thủ đô cho thấy chúng ta cần những quy định chặt chẽ hơn và rốt ráo ngay từ khâu quy hoạch để tình trạng nhà siêu mỏng không còn đất sống.  Còn khi nào những bức tường một tỷ vẫn tồn tại,  thì sau này sẽ còn những bức tường đắt giá hơn xuất hiện.

MỚI - NÓNG