Nhức nhối

Nhức nhối
TP - “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Thế mà chỉ qua một đợt giám sát oan sai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra một con số đầy lo ngại “71 vụ án oan sai”.

“Oan sai chỉ cần 1 vụ là rúng động xã hội, là có tội lớn với dân rồi, nay tới 71 vụ. Đây có phải con số đầy đủ hay chỉ là mới phát hiện từng này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu câu hỏi. Đó cũng là câu hỏi mà dư luận đang đặt ra khi thực tế hiện nay vẫn còn có rất nhiều vụ án có dấu hiệu oan sai đang được dư luận, cử tri quan tâm chưa được làm rõ như vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”; vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) bị kết án chung thân về tội “Giết người”; vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người” và vụ Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang) bị kết án về tội“Mua bán phụ nữ”….

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khi nói về oan sai đã từng đặt ra câu hỏi, tại sao bị can không thực hiện hành vi phạm tội mà lại nhận tội? Đó cũng là câu hỏi mà dư luận nhắc đến nhiều trong mỗi vụ án oan sai. Vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) và nhiều vụ án khác đã chỉ ra rằng, gây ra oan sai có một phần nguyên nhân không nhỏ từ việc bức cung, nhục hình. Bên cạnh đó, công tác điều tra, thu thập chứng cứ đối với loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm và giết người không quả tang còn yếu kém, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng…

Những thực trạng trên khiến cho ông Ksor Phước, người đã từng trải qua cương vị Giám đốc công an của một tỉnh cũng phải ngỡ ngàng thốt lên rằng: “Tôi không thể ngờ được có những vụ mà bốn, năm người cùng hùa vào để bức cung, nhục hình người ta. Tôi không thể chấp nhận được trong lực lượng công an lại có những con người như thế. Một số địa phương xảy ra oan sai nhiều, vậy các đồng chí lãnh đạo ở địa phương đó có tại vị hay không?”.

Theo một lãnh đạo Ủy ban Tư pháp, muốn làm được điều đó thì các quy định của các Dự thảo luật mà tới đây sẽ trình ra xin ý kiến Quốc hội như Luật tạm giam, tạm giữ; Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự; Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự phải được xây dựng một cách khoa học, phù hợp với tình hình thực tế.

 Các Dự thảo luật phải xây dựng được các cơ chế giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm ngay từ đầu các hành vi bức cung, nhục hình; bảo đảm bị can, bị cáo có quyền “im lặng”, không chịu bất cứ áp lực nào để phải đưa ra lời nhận tội, hoặc các lời khai chống lại mình. Cùng với đó, việc tranh tụng tại tòa cũng phải đảm bảo khách quan, đúng nguyên tắc suy đoán vô tội. 

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.