Nỗi lo thường trực

Nỗi lo thường trực
TP - Những thông tin dày đặc trên các phương tiện thông tin như: Mực khô xé sợi làm bằng chất xơ tẩm hóa chất, thịt chà bông tẩm đường hóa học, thịt lợn, bò ứ nước hay tồn dư lượng chất tăng trọng, siêu nạc, bún phát sáng chứa chất gỉ sét, rau dậy mùi thuốc sâu… 

Thực phẩm bẩn đang “ thập diện mai phục” người tiêu dùng khắp cả nước. Với thực trạng vệ sinh thực phẩm hiện nay, câu cửa miệng: không ăn thì chết ngay, ăn thì chấp nhận chết từ từ...


Trước thực trạng đó, người tiêu dùng tự hỏi, cơ quan chức năng đang ở đâu?

Trong một hội nghị bàn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng như lãnh đạo các cục chức năng thừa nhận tình hình mất vệ sinh an toàn thực phẩm, các loại nông sản “bẩn” vẫn còn nhức nhối trên thị trường. Người tiêu dùng vẫn bất an về các mối nguy từ thực phẩm. Bộ trưởng Cao Đức Phát cảnh báo cơ quan chức năng không được chủ quan với thực phẩm “bẩn” vì các mẫu xét nghiệm chỉ có giới hạn nhất định, chưa phản ánh đủ bức tranh hiện nay về an toàn thực phẩm. 

Tình trạng ngộ độc thực phẩm; thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị đang tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Bức tranh không mấy sáng sủa này càng trở nên bức xúc hơn khi tết cận kề và lễ hội sắp vào mùa.

Vẫn là câu chuyện chồng chéo trách nhiệm ba bộ cùng quản bữa ăn của dân.Vẫn còn đó lời khuyến cáo người tiêu dùng phải là nhà thông thái đủ để nhận biết thật giả, sạch bẩn. Và người tiêu dùng thực sự hoang mang khi phải từng ngày cập nhật kiến thức trong bộ bách khoa toàn thư nhận biết và phân biệt.

Khi được hỏi về chất lượng các đợt thanh kiểm tra, các đợt ra quân, chiến dịch truy quét hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm liệu có cưỡi ngựa xem hoa, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng, nhìn nhận như vậy là chưa chính xác. Bởi theo ông, ví như trong năm 2014 đã có gần 40 ngàn Đoàn thanh, kiểm tra tác nghiệp và có đến gần 650 ngàn cơ sở bị “soi”. Và kết quả là, hơn 9.000 cơ sở bị phạt với số tiền 22 tỷ đồng...

Đọc đến thông tin đó, bạn đọc ắt đặt câu hỏi, với con số đó là nhiều hay ít, đủ hay thiếu, siết hay buông? Và, ông Cục trưởng trả lời: Tuy nhiên, số cơ sở vi phạm chỉ nhắc nhở không xử lí còn những hơn 100 ngàn...

Những thành ngữ được người tiêu dùng thời gian gần đây bỗng dưng sính dùng như: Đầu voi đuôi chuột; Đánh trống bỏ dùi; Đá ném ao bèo; Thả gà ra đuổi...nghe để rồi tự cứu mình bằng cách cố đọc vội một trang khoa học thường thức trước khi ra chợ.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.