Nới rộng bậc, giảm đơn giá

Nới rộng bậc, giảm đơn giá
TP - Với tình hình đất nước hiện tại, EVN không thể áp dụng cùng một mức giá. Thay vào đó, cần sửa đổi bảng giá điện bậc thang hiện tại theo hướng nới rộng số điện từng bậc, đồng thời giảm giá từng mức.

Nói đưa ra 3 phương án, nhưng thực tế lại có phương án giữ nguyên. Thấy bất cập, cần phải sửa, nhưng lại đưa phương án như cũ thì quá bảo thủ. Tính ra, chỉ có 2 phương án: thay đổi bảng giá lũy tiến hoặc một giá. Với điều kiện đất nước hiện nay, không thể áp dụng một giá điện duy nhất vì nhiều lý do. Đầu tiên, điện là công cụ giải quyết vấn đề an sinh xã hội và thông qua giá để làm điều đó. Mỗi bậc giá điện sẽ tương ứng với mức thu nhập của người dân. Người thu nhập cao, dùng nhiều điện sẽ phải trả giá cao, ngược lại thu nhập thấp dùng ít có giá thấp hợp với túi tiền.

Sản xuất điện dùng nguyên liệu là tài nguyên không tái tạo, nên cần phải sử dụng điện tiết kiệm và thông qua giá để điều tiết việc đó. Do đó, vẫn cần áp dụng bảng giá điện bậc thang lũy tiến. Điều quan trọng là điều chỉnh bảng giá cho phù hợp.

Bảng giá hiện hành bộc lộ nhiều bất hợp lý, gây bức xúc trong xã hội. Giá điện bình quân là 1.747 đồng/số điện, nhưng từ bậc 4, giá cao hơn mức trung bình khoảng 20%; bậc 5 cao hơn 40% và bậc 6 cũng cao hơn với tỷ lệ tăng tương tự. Ngoài ra, việc “chặt” ra 6 “khúc” với khoảng cách sát nhau (2 bậc đầu cách nhau 50 số điện, mỗi bậc sau chênh lệch 100 số điện) là không sát thực tế.

Phải chăng nên hạ đơn giá từng bậc. Thay vì giá điện bậc 4 cao hơn 20%, thì điều chỉnh chỉ cao hơn từ 10-15% so với mức giá bình quân. Ngoài ra, cần “nới rộng” từng bậc. Để hợp lý với đại bộ phận người dân có thu nhập vừa phải, bậc 1 có thể tăng lên thành 100 thay vì 50 số điện như hiện tại; các bậc tiếp theo nâng lên chênh lệch 150 số điện. Hay bậc 6 sẽ nâng lên thành 600 thay vì 400 số điện như hiện tại.

Tuy nhiên, thay đổi bảng giá điện chỉ là giải pháp nhất thời. Về lâu dài, EVN cần phải nâng cao năng suất để hạ giá thành, khi đó giá điện mới giảm. Có thể làm điều đó bằng nhiều cách, như nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất, kiện toàn nhân sự toàn ngành cũng như hạn chế đầu tư ngoài ngành… Đó mới là những giải pháp vì lợi ích xã hội, cộng đồng.      

PGS.TS Ngô Trí Long

MỚI - NÓNG