Phải đổi trình tự

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (thứ 3 từ trái sang) cùng thứ trưởng Võ Tuấn Nhân (bìa trái) tắm biển Cửa Việt. Ảnh: Vnexpress
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (thứ 3 từ trái sang) cùng thứ trưởng Võ Tuấn Nhân (bìa trái) tắm biển Cửa Việt. Ảnh: Vnexpress
TP - Tắm lúc mưa to ở vùng biển không phải là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi sự cố Formosa sau khi hứa với bà con miền Trung “sẽ có cả thép, cả cá, và cả một môi trường biển sạch đẹp an toàn”, hành động và thông điệp ấy của Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường hôm qua ở Quảng Trị nên hiểu thế nào?

Tại hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế diễn ra ở Quảng Trị sáng 22/8, nhiều câu hỏi được giải đáp với tín hiệu tích cực. Đó là khối lượng việc khổng lồ với sự tham gia của 100 nhà khoa học đến từ bảy bộ ngành, viện nghiên cứu.

Chuyên gia nước ngoài nhận xét đợt giám sát phân tích lần này rất kỳ công, chính xác, tin cậy với phương pháp đánh giá ngang với các nước tiên tiến. Có điều, cái dư luận quan tâm hơn cả lại không thấy đả động gì hoặc nếu có thì cũng mập mờ, không rõ ràng.

Báo cáo hội nghị khẳng định chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước. Điều đó có phải đồng nghĩa với việc toàn bộ 19 bãi tắm khảo sát có thể tắm được trở lại không? Nếu đúng, việc lãnh đạo ngành môi trường đến tắm bãi biển Hà Tĩnh hay Quảng Bình, những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất, sẽ tạo hiệu ứng niềm tin tốt hơn.

Báo cáo hội nghị cho rằng hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản từ sự cố Formosa đang giảm dần, các loài cá nhỏ bắt đầu về trú trên các rạn san hô đang phục hồi. Tuy nhiên, thông tin quan trọng nhất với dân, ăn cá có an toàn hay không, vẫn chưa có. Vẫn phải đợi kết luận của Bộ Y tế và chưa biết bao giờ mới có kết luận ấy.

Dường như hội nghị mới tập trung thiên về môi trường biển trong khi cái dân cần không kém và liên quan trực tiếp đến sức khỏe và nồi cơm của họ lại mông lung.

Chính Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường từng tuyên bố “đã đến lúc chính sách thu hút đầu tư của chúng ta phải có lựa chọn. Chúng ta không thể chấp nhận ngành công nghiệp thép hay bất cứ ngành công nghiệp nào có nguy cơ ô nhiễm”. Nhưng cách phát biểu “sẽ có cả thép, cả cá và cả một môi trường biển sạch” dễ khiến người ta hiểu “sẽ có cả thép” vẫn là ưu tiên một. Chừng nào không đảm bảo một môi trường biển sạch, không đảm bảo cá an toàn trước hết, chừng đó “có cả thép” chẳng có ý nghĩa gì.

Sắp tới, đoàn quân khoa học lại khảo cứu bước hai vẫn tại bốn tỉnh miền Trung. Hy vọng, vấn đề nghiên cứu “cả thép, cả cá, và cả một môi trường biển sạch” sẽ đảo chiều về trật tự ưu tiên.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.