“Phây” và tai biến

“Phây” và tai biến
TP - “Facebook” và “rủi ro, tai biến y khoa” tưởng chừng hai thứ chả liên quan gì đến nhau cho đến khi cùng lúc liên tiếp xảy ra các vụ việc chết người ở bệnh viện, và việc lãnh đạo đầu ngành liên tiếp cập nhật những hoạt động của ngành trên tài khoản facebook của mình.

Bộ trưởng Bộ Y tế là người đầu tiên trong Chính phủ công khai trang facebook cá nhân với tư cách là người đứng đầu ngành y Việt Nam, tại địa chỉ facebook/botruongboyte.vn. Lướt qua một vòng trang “fanpage” (tạm dịch: trang dành cho người hâm mộ), có thể thấy hầu như ngày nào cũng có “status” mới, có ngày trang được vài lần cập nhật với những thông tin giao lưu, trả lời thư từ, ý kiến người dân. Trang thêm phần sinh động khi có hình ảnh bộ trưởng bế một em nhỏ vùng cao, giao lưu nơi này nơi kia…

Tuy nhiên, những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra các sự cố chết người liên quan đến ngành y như vụ bé sơ sinh tử vong, sản phụ cũng tử vong sau đó ít ngày mà nguyên nhân đang bị cho là có sự tắc trách và sai sót của y bác sỹ ở Tiền Giang. Vụ trẻ hai tháng tuổi ở Đồng Tháp điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM nhưng khi bé tử vong lại được nói có thêm bệnh tim bẩm sinh. Vụ “chậm mổ, thai chết lưu” xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương TPHCM… Trong khi công luận đang rất lo ngại về hàng loạt vụ việc, được một số bác sỹ xếp vào “những rủi ro, tai biến y khoa” thì trên “phây” được công khai ấy không thấy có cập nhật dòng trạng thái nào...

Trong khi chưa có hành động mạnh mẽ phản ứng trước một loạt các sự cố chết người tại bệnh viện mà công luận đang đặt vấn đề về y thuật, lẫn y đức, thì Bộ Y tế lại rất nhanh chóng phản ứng sau thông tin 9 ngày tết, xảy ra 6.200 vụ đánh nhau, với nhận định rằng chia cho 63 tỉnh thì mỗi ngày tết, ở mỗi địa phương trung bình chỉ có 11 vụ, ấy nghĩa là không bất thường.

Còn nhớ trong năm 2014, một loạt các sự cố xảy ra trong ngành y mà trong số đó nhiều vụ được các bác sỹ gọi là “tai biến y khoa”, “tai biến điều trị”. Chính tư lệnh ngành y đã phải trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề này và bộ trưởng đã nói có thể hạn chế được, dù không thể tránh khỏi một tỷ lệ “tai biến” nhất định. Tuy nhiên, hàng loạt các vụ việc lại liên tiếp xảy ra trong khi ngành y chưa có phản ứng nào quyết liệt, người dân tiếp tục bất an thì những thông điệp tốt đẹp về thành công, thành tích của ngành y ngày ngày được truyền trên “phây” liệu có củng cố thêm lòng tin cho người bệnh?

MỚI - NÓNG